Ngày 15/8, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đã bắt giữ nghi phạm bắt cóc cháu bé ở phường Việt Hưng, quận Long Biên. Nghi phạm là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).
Trước đó, vào tối ngày 14/8, Trung lái ôtô đi vào khu đô thị Việt Hưng, thấy bé trai 7 tuổi đạp xe một mình nên đã bắt cóc cháu bé, đưa lên ôtô rời đi. Sau đó, nghi phạm đòi 15 tỉ đồng tiền chuộc, bố mẹ cháu bé đã chuẩn bị được khoảng 13 tỉ đồng. Kẻ bắt cóc yêu cầu gia đình di chuyển qua nhiều địa bàn như Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam...
Hình ảnh cháu bé bị bắt cóc. Ảnh: Cắt từ clip
Sau nhiều giờ truy bắt, lực lượng chức năng bắt giữ Trung khi nghi phạm đang ở Hà Nam.
"Nghi phạm mang theo súng bắn đạn cao su. Trong lúc chống trả lực lượng chức năng, nghi phạm đã nổ súng bắn khiến một cán bộ Cảnh sát Hình sự Công an quận Long Biên trúng đạn, bị thương vào đùi" - lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết.
Liên quan đến sự việc trên, dưới góc độ pháp lý luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Hành vi của đối tượng là rất táo tợn, lên kế hoạch phạm tội, chuẩn bị phương tiện ô tô thực hiện hành vi phạm tội nhắm vào các cháu bé sống cùng gia đình tại các biệt thự khu Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Đối tượng lợi dụng đường vắng, điều khiển xe ô tô chặn xe đạp cháu bé đang điều khiển một mình và dùng vũ lực bắt giữ cháu vào trong xe ô tô bỏ chạy trong sự đau đớn và hoảng sợ tột cùng của bé.
Trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
"Xét hành vi của đối tượng đã sử dụng vũ lực bắt giữ cháu bé để nhằm mục đích đòi bố mẹ cháu bé phải nộp “tiền chuộc” 15 tỷ đồng nếu không nộp thì cháu bé sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm đã cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4 Điều 169 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm cho biết.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin với ý thức nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.
Cũng theo Luật sư Thơm, thời điểm bị bắt, đối tượng dùng súng bắn đạn cao su chống trả cảnh sát, đã bắn vào đùi phải chiến sỹ Đội cảnh sát Hình sự, Công an quận Long Biên (TP Hà Nội). Ngoài hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ bị xem xét xử lý về hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chiến sĩ công an.
"Nếu kết quả giám định vũ khí súng bắn đạn cao su nguy hiểm đến tính mạng, có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo Điều 123 BLHS. Nạn nhân không tử vong thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt", luật sư Thơm nói.
"Trường hợp kết quả giám định súng bắn đạn cao su không thuộc vũ khí quân dụng và không gây nguy hiểm đến tính mạng khi bắn ở khoảng cách gây án thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS. Đối với hành vi tàng trữ súng, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng", luật sư Thơm phân tích.
Điều 169 (Bộ luật hình sự). Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
------------------------------
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
|
Duy Khương - Pháp luật Plus