Nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện để tăng cường cho cơ sở

15/11/2023 11:11

Kinhte&Xahoi Nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở giải quyết các thủ tục, công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Chiều 14/11, kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục còn chậm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”.

Một số nhiệm vụ triển khai Đề án 06 còn chậm, nhất là các điểm nghẽn về hạ tầng, dịch vụ công, dữ liệu và thể chế chậm được khắc phục.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, mà nguyên nhân lớn nhất là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu.

Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt; hoạt động cải cách có nơi còn mang "tính hình thức", chưa thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Với các thành viên của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ CCHC năm 2023.

Tuyệt đối không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch, huy động nguồn lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật...

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

 Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/nghien-cuu-giam-can-bo-cong-chuc-cap-tinh-huyen-de-tang-cuong-cho-co-so-d200915.html