“Ngừng chạy tàu" - Có phải vì miếng bánh chi phí quản lý?

28/02/2020 15:32

Kinhte&Xahoi “Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do doanh nghiệp (tức VNR) chứ không phải của Nhà nước” ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định trước thông tin đường sắt dự định “ngừng chạy tàu” do không có kinh phí trả lương cho công nhân.

“Bất luận như thế nào thì rốt cuộc tàu vẫn phải duy trì chạy tàu, đó là điều không thể khác” ông Đoàn Minh Phương- nguyên TGĐ Liên hiệp sức kéo đường sắt.

Ngay sau phiên họp đầu tuần do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng với sự có mặt của các bộ, ngành liên quan thì mọi việc mới được rõ ràng. Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ dự toán, vướng mắc ở chỗ Cục đường sắt và Tổng công ty ĐSVN trong quá trình đàm phán, ký hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS).

Mấu chốt là chi phí quản lý

Tổng công ty ĐSVN đề xuất Thủ tướng Chính phủ: “Trong thời gian chờ phê duyệt Đề án "Quản lý, sử dụng tài sản tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư" cho phép Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán bảo trì tài sản KCHTĐSQG năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như thực hiện năm ngân sách 2019” nhưng quá trình thực hiện thực tế lại đang diễn ra theo hướng khác.

Ngân sách năm 2020 được triển khai theo hướng Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách nhà nước cho Cục Đường sắt Việt Nam; sau đó Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư hoặc đặt hàng trực tiếp với 20 Công ty cổ phần bảo trì đường sắt. Nghĩa là so với đề xuất của VNR, nay có thêm cấp trung gian là Cục đường sắt, mọi rắc rối bắt đầu từ đây.

Như vậy thì không phải nhà nước thiếu tiền để duy trì hạ tầng đường sắt như thông tin. Những vướng mắc cũng không phải đến thời điểm này (tháng 2/2020) mới phát sinh, từ khi VNR chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã xuất hiện những bất cập về tính pháp lý trong việc giao vốn.

Nhưng kể từ tháng 10 năm 2018 đến nay, đường sắt chưa hề phải dừng chạy tàu do không có chi phí trả lương, nghĩa là chả có vấn đề gì khiến phải ngừng chạy tàu trừ việc không có khách đi tàu, không có hàng hóa để vận chuyển. Điều gì khiến cho VNR phản ứng gay gắt khi hầu như đơn giá, định mức năm 2020 cơ bản được Cục đường sắt giữ nguyên so với năm ngoái?

Mấu chốt lớn nhất là “miếng bánh” chi phí quản lý dự án được phân chia như thế nào? Theo Quyết định 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, với tỷ lệ 0,91% thì hàng năm kinh phí quản lý nguồn vốn này khoảng 25 tỷ đồng- một con số không hề nhỏ. Phân bổ nguồn kinh phí như thế nào cho hợp lý?

Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay!

Mọi việc đúng như ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp “Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý”. Vướng mắc ở chỗ Cục Đường sắt “xử lý”, từ đầu năm đến nay “Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên”. Phương án Cục đường sắt ký thẳng với 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt cũng không thành. Trong khi đó, khi Tổ công tác của Chính phủ làm việc tại Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN thì VNR lại báo cáo với “thiếu tiền chi lương cho công nhân”. Ai đúng, ai sai?

Tại thời điểm hiện nay, bất kể Bộ GTVT, Cục Đường sắt hay Tổng công ty ĐSVN đứng ra giao dự toán NSNN thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS đều ít nhiều vướng luật. Ảnh AT

Trước hết, phải nói rằng tại thời điểm hiện nay, bất kể Bộ GTVT, Cục Đường sắt hay Tổng công ty ĐSVN đứng ra giao dự toán NSNN thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS đều ít nhiều vướng luật. Hệ thống hành lang pháp lý đều chưa bám sát được thực tế đang diễn ra hàng ngày.

Bản thân, dù rất muốn nhưng VNR cũng không thể giao nhiệm vụ cho 20 công ty CP như trước đây mà theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đường sắt và Nghị quyết 87 của Quốc hội phải tổ chức đấu thầu dịch vụ công.

Một lần nữa người ta thấy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khá lúng túng trước những bất cập kéo dài của đường sắt mà không thấy “dấu ấn CEO” như kỳ vọng khi tách chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước của các bộ chủ quản.

Những ý kiến hiểu sâu về kinh doanh đường sắt cho rằng việc VNR đang phải dừng tàu thật, do không có khách đi tàu từ đầu năm đến nay mới là mối lo lớn và lâu dài hơn tuyên bố “gây sốc” vừa qua. Thời gian gần đây đường sắt đã phải liên tiếp bãi bỏ tàu khách Thống Nhất, sắp tới cũng sẽ phải dừng chạy tàu NA35/36 (Hà Nội-Vinh), SP1/2 (Hà Nội- Lào Cai).


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/ngung-chay-tau--co-phai-vi-mieng-banh-chi-phi-quan-ly-d118256.html