Người “chuyên chở” văn hóa, pháp luật đến bản làng

06/06/2022 11:02

Kinhte&Xahoi Trong công cuộc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã gương mẫu đi đầu tạo sự lan tỏa, phát huy vị trí quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt và sự phát triển của cộng đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện thân mật với các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt.

Già làng, trưởng bản lan tỏa điều tốt đẹp tới cộng đồng

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 12 ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và Chỉ thị số 06 ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các địa phương trên cả nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Họ là người có vai trò không thể thiếu trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Không chỉ vậy, các già làng, trưởng bản còn tuyên truyền, vận động đồng bào thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh với các âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn bản.

Ông Đinh Viết Thắng (sinh năm 1941) ở khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) là một trong những tấm gương già làng tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển địa phương. Với uy tín của mình, ông Thắng đã vận đông nhân dân trong khu hiến 3,4ha đất, ủng hộ 730 triệu đồng và hơn 1.000 ngày công làm đường nông thôn; sửa chữa nhà văn hóa khu, giúp 5 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà. Cùng với đó, ông luôn giáo dục, vận động nhân dân phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, hay trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế để cùng vươn lên trong cuộc sống.

Thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có 100% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trước đây, có đến 95% đàn ông trong thôn hút thuốc lá. Thế nhưng, khoảng 10 năm nay, số người hút thuốc lá đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn hơn 65%. Có được kết quả đó, phải kể đến công lao của trưởng thôn Hoàng Văn Khôn. Ông Khôn là người gương mẫu đi đầu trong việc từ bỏ thuốc lá và tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn bỏ thuốc lá. Hơn nữa, để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với những người xung quanh, ông Khôn đề nghị các hộ dân trong thôn khi có việc hiếu, việc hỷ không bày thuốc lá, không mời khách hút thuốc lá. Ban đầu, nhiều gia đình không thực hiện theo. Nhờ sự phân tích cụ thể và kiên trì vận động của ông Khôn, đến nay, phần lớn các đám hiếu, hỷ trong thôn đều không để thuốc lá trên bàn, mọi người đều đã ý thức được rằng không nên hút thuốc lá ở nơi đông người.

Già làng Hồ Văn Rắt, 73 tuổi, thôn Ta Lu, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) là một trong những điển hình vận động bà con chặt phá những cây không có giá trị để cải tạo vườn tạp, tập trung trồng những cây có giá trị kinh tế cao như cao su, chuối. Già Rắt còn vận động nhân dân hiến đất, hiến cây xây dựng đường giao thông nông thôn. Già cũng tình nguyện hiến cho xã 400m2 đất làm nhà Gươl. Thấy bà con trong bản phải uống nước suối không đảm bảo vệ sinh, già còn hiến thêm 150m2 đất để xã xây dựng công trình nước sạch. Nhờ vậy, trong thôn đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, xóa hết nhà tạm bợ dột nát, số gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm không còn hiếm.

Già làng Quỳnh Nhất ở thôn A Bung, xã Nhâm, một xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) xung phong khai phá vùng đất mới, đưa dân làng về định canh định cư ở A Bung và hướng dẫn bà con biết chăn nuôi, trồng trọt ổn định cuộc sống. Già Nhất còn là người tiên phong đưa cây cà phê lên vùng cao A Lưới. Năm 1997, huyện A Lưới đầu tư cho xã Nhâm trồng cây cà phê nhưng chẳng ai dám trồng vì sợ bỏ rẫy cũ sẽ không có ăn. Già Nhất đã mạnh dạn trồng, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao. Thấy cây cà phê hợp với thổ nhưỡng, già làng đã tuyên truyền bà con nên chuyển đổi cây trồng, từ đó cả bản quyết định chuyển sang canh tác cây cà phê. Già làng hướng dẫn và truyền kinh nghiệm để dân bản trồng cà phê mang lại năng suất cao.

Trưởng bản Lý Văn Sài, người H’Mông, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã mẫu mực tuyên truyền, vận động đồng bào H’Mông trong xóm không du canh, du cư. Già làng Đào Đức Cường ở khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) luôn có mặt ở những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tuyên truyền vận động bà con giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Ông Nguyễn Đức Danh, xóm Nam Phong 3, xã Hưng Đạo (Cao Bằng) là Đội trưởng, Đội sản xuất, luôn tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Trưởng thôn Thăng Văn Báo, thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tích cực vận động nhân dân trong thôn đóng góp kinh phí làm đường nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng. Ông Nguyễn Công Điển, Bí thư Chi bộ, thôn Mai Ổ, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), là gương sáng bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại địa phương cho thanh niên trước khi nhập ngũ để tạo nguồn đảng viên trẻ cho chi bộ khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

Tôn vinh những người “giữ lửa”

Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngày 19/4/2022, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) tuyên truyền, vận động người dân bỏ hút thuốc lá. (Ảnh: Nguyễn Lượng)

Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và 92 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.

Chủ tịch nước khẳng định, công tác chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, càng khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, “giữ lửa” ở các bản, làng. Sự đóng góp quan trọng thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Chỉ rõ chính sách đối với người có uy tín còn chưa tương xứng, Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành và địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách và triển khai thực hiện tốt nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay.

Cùng với đó, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín, qua đó động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời cung cấp kịp thời thông tin về tình hình kinh tế -xã hội, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền... để người có uy tín nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng -an ninh tại địa phương.

Chủ tịch nước lưu ý, cùng với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, cần chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Chú trọng lan tỏa sâu rộng các tấm gương già làng, trưởng bản tiêu biểu trong cộng đồng.

 Bảo Châu - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thực chất và hiệu quả

Dẫu mới bước vào tuần thứ 2 của tháng 6 nhưng nhìn lại kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu lạc quan.

Căng thẳng cuộc đua tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội

Trong tháng 6, các trường THPT chuyên và không chuyên của Hà Nội tổ chức thi tuyển. Không riêng thi vào lớp 10, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 cũng căng thẳng không kém, nhất là nhóm các trường tốp đầu, trường có tiếng của Hà Nội. Một số có tỉ lệ chọi lên đến 1/20, hoặc 1/30.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-chuyen-cho-van-hoa-phap-luat-den-ban-lang-d183247.html