Người dân cần lưu tâm những điều này khi đến phố đi bộ Hồ Gươm từ ngày 27/5

19/05/2022 12:03

Kinhte&Xahoi Từ ngày 27/5, người dân khi mang vật nuôi đến phố đi bộ Hồ Gươm phải xin phép, biểu diễn nghệ thuật phải thông báo trước ít nhất 5 ngày.

Biểu diễn nghệ thuật phải thông báo trước ít nhất 5 ngày

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 21/2022/QD-UBND về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; có hiệu lực từ ngày 27/5.

Hình minh hoạ.

Theo Quyết định, người dân cũng không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ.

Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động.

Việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải thực hiện thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Bên cạnh đó, việc tổ chức phải đảm bảo tuân thu về hoạt động kinh doanh, điều kiện an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, môi trường...

Quy chế cũng quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh tại không gian đi bộ phải thực hiện các quy định về văn minh thương mại như: Giao tiếp với khách hàng lịch sự, hòa nhã, trang phục bán hàng gọn đẹp, không phản cảm, không tranh giành lôi kéo, ép giá đối với khách hàng, có bảng niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; sử dụng biển hiệu đúng quy định.

Sử dụng đúng phạm vi diện tích kinh doanh được phép; kinh doanh đúng giờ, không bày hàng hóa, vật dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện giao thông phải được cấp phép, không thu phí trông giữ xe quá giá quy định tại các tuyến phố phụ cận với các tuyến phố trong không gian đi bộ...

Không mang vật nuôi đến phố đi bộ khi chưa được phép

Cũng theo Quyết định, tại không gian này, các tổ chức, cá nhân thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa; trang phục lịch sự; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội; không có những hành vi, lời nói thô tục, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Ngọc Thắng/Báo Thanh Niên)

Không đi, để các phương tiện giao thông đường bộ trên hè, lòng đường và các vị trí công cộng khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố điện, xe thu gom rác và các phương tiện thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xe lăn của người khuyết tật).

Không tổ chức biểu tình, tuần hành, tụ tập dòng người trái pháp luật; tuyên truyền các nội dung trái pháp luật; tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng.

Không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Không thực hiện hành vi dẫm, nằm lên thảm cỏ, ghế ngồi; ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quá, chặt hạ, hủy hoại cây xanh. Không bơi lội, câu, đánh bắt cá và sinh vật khác dưới lòng hồ Hoàn Kiếm.

Không tổ chức hoạt động đánh bạc dưới mọi hình thức, không tổ chức đua xe trái phép, bói toán, mại dâm, sử dụng ma túy, các chất kích thích khác, tổ chức ăn uống, (trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép theo quy định) và các hành vi gây mất trật tự công cộng.

Không viết, vẽ, chạm, khắc, bôi bẩn, treo, dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt lên tượng đài, ghế ngồi và các công trình kiến trúc, cây xanh.

Không bán hàng rong, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.

 Gia Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cái sai 'trắng trợn' của trạm thu phí

Theo Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt cao nhất đối với trạm thu phí để xảy ra ùn tắc có thể lên đến 70 triệu đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-dan-can-luu-tam-nhung-dieu-nay-khi-den-pho-di-bo-ho-guom-tu-ngay-27-5-d182205.html