Phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy tại Quốc hội sáng 13/11, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định, ngoài các yếu tố khách quan bất lợi như thời tiết có những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài… thì các vụ cháy xảy ra chủ yếu do lỗi chủ quan của con người.
Đại biểu nói về vụ cháy rừng ở Hà tĩnh vừa qua do các nông dân đốt ruộng, đốt cỏ rác khi dọn vườn làm cháy lan sang rừng, hậu quả nghiêm trọng. Kết quả là bị phạt tù.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa).
Bà Xuân cũng nhắc lại, cách đây 3 năm, khi Quốc hội đang họp thì xảy ra vụ cháy quán karaoke tại Cầu Giấy, Hà Nội, hậu quả rất thương tâm, gần 20 người chết.
Thời điểm đó, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy như thế nào khi những quán karaoke chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tự ý hoạt động và kinh doanh? Tương tự, rất nhiều các nhà hàng nhà nghỉ, khu chợ đã xảy ra, đều do các biện pháp phòng cháy chữa cháy bị lơ là. Báo cáo giám sát đã nêu con số hàng ngàn vụ cháy xảy ra mỗi năm, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Đại biểu đặt vấn đề, có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép cho công tác kiểm tra, giám sát đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao?
“Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, người dân vi phạm thì bị phạt tù nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy? Tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra” – bà Xuân nói.
Đại biểu đề nghị, sau cuộc giám sát này, Quốc hội quy định thêm nội dung về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong phòng cháy, chữa cháy vì chỉ có giám sát thường xuyên xử lý nghiêm minh thì mới chấm dứt được tình trạng nói mãi mà không chuyển.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng tình với nhận định, nguyên nhân cháy chủ yếu do con người, do những bất cẩn, thiếu trách nhiệm. Đại biểu khuyến cáo, cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy nổ hiện nay để nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý cũng như cần phải truy trách nhiệm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Đại biểu cho rằng, đáng buồn là sau mỗi vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, khi truy cứu trách nhiệm thì “bài… đổ lỗi” lại thể hiện, “trên thì đổ lỗi cho dưới không chấp hành nghiêm quy định, dưới thì đổ lỗi trên không hướng dẫn cho chính quyền, chính quyền lại đổ lỗi cho người dân không chấp hành quy định”.
Phản ứng với “văn hóa đổ lỗi”, bà Hoa kêu gọi, hơn hết, sau các sự việc, hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.
Đại biểu cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn tới hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các khu nhà chung cư. Thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư, trong đó chủ yếu tập trung thành phố Hà Nội và TPHCM. Cụ thể, tại Hà Nội, căn hộ chung cư chiếm đến 87,3% tổng nguồn cung cấp nhà ở, còn tại TPHCM, căn hộ chung cư chiếm khoảng gần 90% tổng nguồn cung cấp nhà ở. Phòng chống cháy nổ cho hệ thống chung cư, sau không ít vụ cháy nổ gây hậu quả khủng khiếp đã xảy ra, là việc phải quan tâm hàng đầu để bảo vệ sự bình an cho người dân.