Đây là quy định tại Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo bao gồm pháo hoa và pháo nổ. Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm khi chịu tác động sẽ gây ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây tiếng nổ.
Pháo hoa gây tiếng nổ được xác định là pháo hoa nổ tầm thấp (tầm bắn dưới 120m) hoặc pháo hoa nổ tầm cao (trên 120m); loại này được xếp vào khái niệm pháo nổ.
Nghị định 137 cho phép người dân được bắn pháo hoa nhưng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Các tổ chức, doanh nghiệp này thuộc Bộ Quốc phòng và khi kinh doanh, vận chuyển pháo hoa phải lập hồ sơ gửi tới Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an.
Pháo hoa nổ được bắn trong các dịp do Thủ tướng quyết định; các sự kiện văn hóa du lịch mang tính quốc gia, quốc tế. Dịp Tết Nguyên Đán và Quốc khánh 2/9, các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa tầm cao, các tỉnh còn lại bắn pháo hoa tầm thấp với thời lượng không quá 15 phút.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; tỉnh Điện Biên được bắn trong ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ; Hà Nội và TP.HCM được bắn pháo hoa trong Ngày Chiến Thắng 30/4.
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm sản xuất, cung cấp các loại pháo cho từng địa phương. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm ban hành danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ và quy định chi tiết mã số các loại pháo.
Người quản lý, sản xuất các loại pháo; người chỉ huy và sử dụng pháo nổ phải được huấn luyện và diễn tập xử lý các sự cố. Việc huấn luyện do Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan khác tổ chức.
Nghị định 137 nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển, xuất nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng hoặc chiếm đoạt các loại pháo nổ trừ doanh nghiệp được cấp phép thuộc Bộ Quốc phòng.
X.A - Theo Tiền Phong