Người dân là chủ thể, các tổ hỗ trợ theo dõi người bệnh là nòng cốt phòng, chống dịch

09/03/2022 09:34

Kinhte&Xahoi Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ thôn, tổ dân phố; Coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở tiếp tục phát huy sức mạnh lòng dân trong phòng, chống dịch (Trong ảnh: Chốt kiểm tra của tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng tại phường Bạch Mai)

Chiều 7/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tuần qua, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ cơ sở. Nhờ đó, khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và mở cửa, mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát thật hiệu quả dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và Nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm đã giúp Thủ đô vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua; Đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

"Chúng ta phải kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, tăng nặng”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ thôn, tổ dân phố, xác định “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Từng phường, xã, thị trấn trên cơ sở đánh giá tỷ lệ ca F0, dự báo số ca mắc trong thời gian tới để tổ chức lực lượng nòng cốt là thôn, tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng, huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.

Khi người dân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà thì tổ COVID-19 cộng đồng tiếp cận ngay, kết nối thông tin, hỗ trợ những thứ cần thiết như nhu yếu phẩm, thực phẩm, giúp theo dõi chuyển tầng, giảm áp lực cho y tế cơ sở...

Để bảo đảm hiệu quả cách làm này, phát huy tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thực hiện đúng tinh thần chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về kết quả cuối cùng, hiệu quả phòng, chống dịch, giảm thiểu rủi ro cho người dân trên địa bàn quản lý.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo đánh giá, nhận định tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và có phương án ứng phó kịp thời, tương ứng; Rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao để không bị động nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vắc xin là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay, bảo đảm an toàn cho trẻ khi quay lại trường học.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tăng cường kiểm tra thật sát sao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, khu công nghiệp, trọng tâm là chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; Tập trung hỗ trợ người dân kịp thời, kiểm soát rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; Giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; Giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khi gặp khó, ai cũng cần một… bờ vai

Trong lúc khó khăn, dù đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ hay kể cả người giàu có cũng cần được giúp đỡ, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-la-chu-the-cac-to-ho-tro-theo-doi-nguoi-benh-la-nong-cot-phong-chong-dich-191420.html