Người dân lúng túng trước nhiều ứng dụng phòng, chống COVID-19

15/09/2021 07:10

Kinhte&Xahoi Đó là hạn chế của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 242/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thông báo nêu rõ, vừa qua các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh… tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo việc xây dựng các ứng dụng thiết thực, dễ sử dụng và các ứng dụng này phải được kết nối, liên thông; Dữ liệu phải được quản lý đảm bảo an toàn, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch; người dân không phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Tuy nhiên trong thực tiễn, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch vẫn chưa được kết nối, liên thông, chưa tạo thuận lợi cho cả người dân và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch cũng như công tác quản lý của chính quyền các cấp. Đặc biệt, người dân gặp không ít khó khăn, lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng phòng, chống dịch khác nhau.

Yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu. Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Người dân lúng túng, gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện và phải khai báo y tế nhiều lần. Ảnh: HC

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trước mắt chỉ đạo kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng (hiện do Bộ Thông tin & Truyền thông quản lý) và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch. Chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid).

Bộ Y tế chỉ đạo toàn hệ thống y tế thực hiện cập nhật, kết nối thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả quả tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19… Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về Bảo hiểm Y tế.

Bộ Công an, phối hợp với Bộ Thông tin &Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch trong cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; Chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới (PcCovid).

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1498/QĐ-TTg ban hành danh mục thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Danh mục thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có 7 nhóm thông tin, dữ liệu về: 1- Kinh tế tổng hợp; 2- Kinh tế ngành; 3- Khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội; 4- Nội chính, hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; 5- Kinh tế - xã hội địa phương; 6- Phát triển doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã; 7- Phục vụ chỉ đạo điều hành đối với các nhiệm vụ cấp bách, khẩn cấp Quốc gia.

Trong đó, nhóm thông tin, dữ liệu về kinh tế tổng hợp gồm: Thông tin, dữ liệu tổng hợp về kinh tế vĩ mô; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; thống kê; thông tin, dữ liệu tổng hợp về đầu tư công; thông tin, dữ liệu tổng hợp về ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, dự trữ Nhà nước; thông tin, dữ liệu tổng hợp về thương mại, xuất nhập khẩu; thông tin thị trường ngoài nước; các hiệp định thương mại tự do; thông tin, dữ liệu tổng hợp về tiền tệ; ngân hàng; ngoại hối...

Nhóm thông tin, dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội địa phương gồm thông tin, dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm; niên giám thống kê; thông tin giới thiệu địa phương.

Nhóm thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành đối với các nhiệm vụ cấp bách, khẩn cấp quốc gia gồm: Thông tin, dữ liệu tổng hợp về phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu nạn; phòng, chống COVID-19; biến đổi khí hậu.

 

Hà Tĩnh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đã có trên 284 ngàn người, hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù

Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, triển khai chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, đến nay các địa phương đã đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho hơn 284.000 người, hộ gia đình với tổng kinh phí gần 288 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thong-tin-covid-19/nguoi-dan-lung-tung-truoc-nhieu-ung-dung-phong-chong-covid-19-d166294.html