Người dân ở Hà Nội không được di chuyển ra ngoài địa bàn trong thời gian giãn cách

02/08/2021 06:30

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Người dân ở Hà Nội không được di chuyển ra ngoài địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội.

Công điện số 17/CĐ-UBND được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành tối 1/8 đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố huy động tối đa các lực lượng cơ sở đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của Thành phố.

Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế; cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa.

Các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh; làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của các cơ quan này với cơ sở.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố phải có thông tin chính thức, kịp thời về dịch bệnh và huy động đội ngũ chuyên gia và nhà quản lý y tế tham gia tư vấn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm kịp thời vật tư, thiết bị y tế để ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức trung bình, cao và rất cao trên tinh thần hiệu quả tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.

Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan rà soát kỹ; tham mưu phương án điều trị tổng thể 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 5/8/2021.

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Phương án triển khai thí điểm 1.000 giường điều trị bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại Khu Chung cư Đền Lừ 3 để kích hoạt đưa vào hoạt động từ 2/8/2021.

Triển khai công tác nâng cao năng lực xét nghiệm của Thành phố: Xây dựng kế hoạch phân bổ máy xét nghiệm PCR đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bổ sung cán bộ (sinh viên các trường đại học, cao đẳng y trên địa bàn và mạng lưới y tế học đường) hỗ trợ, tổ chức đào tạo nhân lực về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển;  tham mưu, báo cáo UBND thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn (Bệnh viện 108, bệnh viện 103, Học viện Quân y, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga và các đơn vị quân đội có phòng xét nghiệm RT-PCR) phối hợp hỗ trợ năng lực xét nghiệm. Tổ chức kịp thời việc mua sinh phẩm, hóa chất và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế khẩn trương rà soát, chủ động triển khai công tác mua sắm đảm bảo nguồn lực tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Huy động hệ thống y tế công tư để kết hợp, lồng ghép hiệu quả trong triển khai các biện pháp chống dịch

 Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP HCM chính thức vận hành Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến

Ngày 1/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, Sở đã phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115, VNPT TP HCM và Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) triển khai vận hành chính thức Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Sớm đồng bộ dữ liệu "luồng xanh"

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các cục quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố sớm đồng bộ dữ liệu về thông tin khai báo y tế, kết quả xét nghiệm SARS CoV-2 với giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) nhằm tạo thuận lợi cho việc nhận diện phương tiện và tài xế khi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-dan-o-ha-noi-khong-duoc-di-chuyen-ra-ngoai-dia-ban-trong-thoi-gian-gian-cach-d162224.html