Người dân quay cuồng trong “cơn bão” xăng tăng giá

16/06/2022 15:06

Kinhte&Xahoi Giá xăng tăng cao lập đỉnh lịch sử, khiến giá cả hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết… leo thang, cuộc sống người dân quay cuồng...

Chiều 13/6, giá xăng đã được điều chỉnh, theo đó, E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.

Người dân quay cuồng trong “cơn bão” xăng tăng giá

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít. Như vậy, xăng đã có 6 phiên liên tiếp tăng giá, kéo theo đó là hàng hóa lương thực thực phẩm, giá ga, dầu cũng tăng theo. Giá xăng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Tài xế taxi, xe ôm "đau đầu", muốn chuyển nghề

Trưa ngày 14/6, giữa cái nắng oi bức của mùa hè, một tài xế xe taxi tạm dừng xe taxi ở ven đường Giang Văn Minh, Ba Đình (Hà Nội) để chờ khách. Như trước kia, các bác tài ngồi trong xe bật điều hoà, nhưng vì tiết kiệm chi phí xăng dầu, anh T. tắt máy hạ kính xuống để giảm đi sự oi nóng của tiết trời Hà Nội.

Nhiều tài xế taxi tính chuyển nghề vì giá xăng tăng.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, anh T cho biết, những ngày qua khi nghe tin giá xăng dầu tăng cao kỷ lục khiến cánh tài xế như ông cảm giác chán nản. Làm công việc lái xe taxi nhiều năm nhưng trước việc khách mỗi ngày một ít trong khi chi phí xăng dầu liên tục cao khiến anh T. muốn bỏ nghề.

Cũng như bao tài xế taxi khác: “Một ngày công việc từ 6 giờ sáng cho tới 20 giờ tối mỗi ngày mới trở về nhà. Mỗi ngày như thế nếu có khách thì tổng tiền thu được khoảng từ 1-1,5 triệu đồng. Nếu như 1 triệu trừ tiền trích lại cho hãng taxi 50%, tôi còn 500 nghìn đồng. Số tiền đó nếu như trước trích ra khoảng 200 nghìn tiền xăng mình được lãi 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, giờ đây xăng tăng cao kỷ lục như vậy mình chỉ còn lãi khoảng 200 nghìn đồng, trong khi làm từ sáng tới tối mới nghỉ”, anh T chia sẻ.

“Thu nhập giờ dưới 10 triệu đồng, thật sự rất khó khăn trong cuộc sống, chắc tôi phải chuyển nghề”, anh T giãi bày.

Đứng cạnh đồng nghiệp dưới trời nắng, anh N. T. N lái xe taxi công nghệ nói với vẻ mặt đầy bất lực: “Cứ đà này, chắc tôi phải bỏ nghề. App chạy xe tính tiền trên 1km cho khách vẫn vậy, mà giá xăng, dầu tăng gần gấp đôi chưa kể quãng đường đón khách app không tính phí. Thú thật lái xe taxi, ôtô công nghệ như chúng tôi đang khốn đốn bởi giá xăng, dầu tăng vòn vọt. Bây giờ mỗi ngày chạy xe như này chỉ vừa đủ tiền xăng thôi, lãi gần như không có, khổ lắm”.

Hành nghề lái xe ôm tự do, ông Dương Văn Thái 74 tuổi lo ngại về giá xăng cao ngất ngưởng:

“Trước kia cứ 3,4 hôm tôi mới đổ đầy bình, bây giờ giá xăng cao quá, trung bình mỗi ngày tôi đổ hết 50.000 VNĐ mà một ngày chả có mấy người đi. Trước tôi cứ lượn loanh quanh kiếm khách, nhưng giờ giá xăng tăng chỉ dám ngồi một chỗ, chứ đi đi vài vòng chưa có khách nhưng đã hết hơn nửa bình rồi. Cứ tình trạng này tôi sợ xăng sẽ tăng lên 50.000 - 60.000 VNĐ/ lít”.

Nhiều tài xế khác hàng ngày đang phải bỏ số tiền lớn trả chi phí xăng dầu mong muốn giá xăng hạ xuống

Trong câu chuyện chi sẻ với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Thái cho biết, “Với những người như tôi, giờ nhiều tuổi nên cũng không thể xin việc làm ở đây, chạy xe ôm là nguôn thu nhập chính, xăng tăng giá nhưng vì cuộc sống mình vẫn phải chạy. Kể cả xăng tăng lên 50, 60 nghìn thì tôi vẫn phải chạy. Tôi mong muốn bình ổn giá xăng để mọi người đỡ chi phí đi lại, cuộc sống bớt khó khăn”.

Cũng như ông Thái và nhiều tài xế khác hàng ngày đang phải bỏ số tiền lớn trả chi phí xăng dầu mong muốn giá xăng hạ xuống, Có như vậy người lao động mới đỡ khổ.

Hàng hóa thiết yếu 'ồ ạt' leo theo giá xăng

Giá xăng tăng cao lập đỉnh lịch sử, khiến giá cả hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt, rau quả… leo thang.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại TP Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới và vẫn đang có chiều hướng tăng. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mặt hàng đã tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg theo giá xăng dầu. 

Cụ thể, mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg như rau muống có giá 10.000 đồng/mớ, trước đó chỉ có giá 6.000 đồng/mớ; rau dền có giá 9.000 đồng/bó, tăng 5.000 đồng/bó; bí xanh cũng tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh…) cũng tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Hàng hóa thiết yếu 'ồ ạt' leo theo giá xăng, chuyên gia lo ngại lạm phát

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau tăng giá. Cụ thể, cá chép có giá 70.000 đồng/kg, cá rô phi bán ra 50.000 đồng/kg, cá chắm có giá 60.000 -70.000 đồng/kg… tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Các loại hải sản khác như tôm thẻ loại lớn có giá 280.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 230.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 - 280.000 đồng/kg...

Không chỉ mặt hàng rau củ, quả, hải sản tăng giá mà các mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống cũng đã lên giá với mức tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, sương sườn có giá 120.000 đồng/kg; thịt thăn 110.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước. 

Đặc biệt, giá thịt gà hiện đang tăng vọt, với mức giá 150.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với tháng trước, mức giá bán ra hiện đang bằng với mức giá của dịp Tết nguyên đán 2022. Bên cạnh đó, các loại trứng gia cầm như trứng gà ta và gà công nghiệp cũng tăng cao. Giá mỗi hộp trứng gà ta 10 quả là 55.000 đồng, còn gà công nghiệp lên 37.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo lý giải của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, họ phải tăng giá bán do chi phí đầu vào tăng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá xăng tăng liên tục khiến nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chi phí đánh bắt hải sản, chi phí vận chuyển tăng theo... Theo các tiểu thương, do giá bán các mặt hàng tăng nên lượng hàng bán ra cũng đã giảm hẳn so với trước. 

“Bình thường khách hàng đi chợ sẽ mua 1 kg, nhưng vì giá tăng nên người ta chỉ mua bằng nửa thôi để giảm chi tiêu đi. Việc giảm sức mua cũng khiến chúng tôi khó khăn hơn” - một tiểu thương tại chợ Quan Hoa cho biết.

Chị Vũ Thanh Nhàn (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá thực phẩm tăng rất nhanh từ đầu năm. Đặc biệt là những ngày gần đây, giá thực phẩm tăng, giá xăng tăng, khiến chi phí sinh hoạt của chị tăng lên rất nhiều. Nếu trước kia một tháng chị chỉ chi tiêu khoảng 4 - 5 triệu tiền ăn, cộng với tiền xăng xe, thì giờ phải lên 6 - 6,5 triệu/tháng. “Giờ ra chợ là chóng mặt vì giá” – chị Nhàn nói.

Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này, mong các cơ quan chức năng tính đến chuyện giảm mức thuế, phí xăng dầu sao cho phù hợp. Có như vậy mới mong kìm được giá thị trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Huyền Anh - Ngọc Ánh - Hà Anh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Tăng cường xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Sáng 15/6, tại Huyện ủy Thanh Oai, Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tổ chức Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của 5 đảng ủy khối doanh nghiệp trực thuộc các quận, huyện ủy, gồm: Thanh Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU chủ trì hội nghị.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-dan-quay-cuong-trong-con-bao-xang-tang-gia-d183857.html