Người đứng đầu không thể 'phủi tay'!

30/08/2019 09:14

Kinhte&Xahoi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất quá trình điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, liên quan đến khu đất 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1).

Hình minh họa

Khi Bộ Công an đề nghị cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “Nhôm” làm giám đốc) thuê, ông Tín không báo cho Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) tham mưu mà tự ý bút phê chỉ đạo “giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục”. Để rồi các cấp dưới tham mưu cho ông ký quyết định cho thuê, bán chỉ định khu nhà cho Vũ “Nhôm”. Mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu ông Nguyễn Hữu Tín không lạm quyền, làm đúng thẩm quyền.

Lâu nay chúng ta vẫn “loay hoay” về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (HCNN). “Người đứng đầu cơ quan HCNN” là thuật ngữ dùng để chỉ thiết chế giữ vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ cao nhất trong cơ quan HCNN, thực hiện vai trò lãnh đạo quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan HCNN.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN đối với những điều nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt và những điều không được làm; nghĩa vụ, quyền và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN trong tuân thủ pháp luật và phục vụ nhân dân; trong lập kế hoạch, ra quyết định và điều hành chỉ đạo hoạt động của cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó.

Về văn bản quy phạm pháp luật, năm  2007, Chính phủ có Nghị định số 157/2007/NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Văn bản còn hiệu lực pháp luật.

Khi “thiết kế” văn bản này, những người dự thảo đã cố gắng chi tiết trách nhiệm; tuy nhiên nhiều nội dung không dễ “định lượng”. Cấp phó, về nguyên tắc là giúp việc cho cấp trưởng, thừa hành theo “nội dung phân công công tác giữa trách nhiệm của người đứng đầu với cấp phó của người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước” – Điều 4 Nghị định 157/2007/NĐ-CP. Vậy, khi được phân công lĩnh vực phụ trách, cấp phó có phải báo cáo cấp trưởng không?

Trở lại vụ án đã nêu, cơ quan điều tra nhận định: Nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (và 4 quan chức khác) có nhận được công văn do ông Nguyễn Hữu Tín ký nhưng không phải là “báo cáo hay văn bản trao đổi thủ tục hành chính”, do đó cơ quan cơ quan điều tra nhận thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Rất khó về “định lượng” trách nhiệm.

Hiện nay các Bộ, ngành và UBND các tỉnh đều có quyết định về việc phân công trách nhiệm lĩnh vực phụ trách giữa trưởng và phó. Dù phân công kiểu gì nhưng người đứng đầu không thể nào “phủi tay” khi có những vi phạm xảy ra. Công bằng về trách nhiệm vẫn là câu hỏi lớn.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng Bình “cấm biển” hoàn toàn từ trưa 29/8

Ngày 29/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn gửi chính quyền các huyện, thành phố, thị xã và các cấp ngành liên quan phải kiểm soát chặt chẽ, không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h00 ngày 29/8 cho đến khi bão tan.

Bỏ quên lời thề…

Với bất cứ cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân nào, 5 lời thề danh dự đọc dưới quốc kỳ cùng 6 điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phải là kim chỉ nam về tư tưởng, hành động và văn hóa tu dưỡng của chính bản thân. Lời thề thứ 3 của Công an Nhân dân Việt Nam, đối với nhân dân, phải ứng xử thế nào?

Nguồn: Pháp luật Plus