Người lao động chới với giữa “cơn bão” tăng giá

18/03/2022 10:07

Kinhte&Xahoi Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng khiến giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm cũng leo thang. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người lao động nghèo, không có việc làm.

Cuộc sống chồng chất khó khăn

 Kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, chị Vũ Thị Lan (quê ở Kinh Môn, Hải Dương) hiện đang làm nghề thu mua phế liệu tại quận Hà Đông (Hà Nội) ngồi nhẩm tính lại số tiền kiếm được trong ngày. Mặc dù làm việc vất vả, phải thức khuya dậy sớm, đi cả chục cây số để thu mua đồng nát nhưng mỗi ngày chị Lan cũng chỉ kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng.

Chị Lan tâm sự: "Ở quê khó khăn, vợ chồng tôi ra Hà Nội kiếm tiền trang trải nợ nần và nuôi dạy các con ăn học. Chồng hiện đang làm thợ xây còn tôi đi thu mua phế liệu. Ngày công của cả hai vợ chồng khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, ăn uống sinh hoạt, thuê nhà trọ, mỗi tháng tôi để ra được 7 - 8 triệu đồng gửi về quê cho các con ăn học.

Hai năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của chồng thì bấp bênh, còn công việc của tôi cũng gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi giá xăng liên tục tăng cao khiến giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm cũng leo thang. Nếu như trước đây, mỗi ngày vợ chồng tôi chỉ tiêu khoảng 100.000 đồng để mua thực phẩm thì nay phải mất từ 120.000 - 150.000 đồng. Kiếm được không nhiều mà tiêu lại quá lớn khiến số tiền tiết kiệm gửi về cho các con cũng không được bao nhiêu”.

Tác động kép của dịch COVID-19 và giá xăng khiến người dân gặp nhiều khó khăn

Cùng hoàn cảnh làm xa nhà như chị Vũ Thị Lan, chị Đồng Thị Cúc (quê ở Phú Thọ) hiện đang bán hàng rong tại Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. “Suốt từ khi xảy ra dịch bệnh, công việc của tôi vô cùng bấp bênh. Do sức khỏe yếu, không thể làm được các việc nặng nhọc nên tôi chọn nghề bán hàng rong để kiếm sống qua ngày.

Chiếc xe đẩy chất đầy quần áo kia chính là gia tài của tôi. Nếu như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, công việc khá thuận lợi. Mỗi tháng, tôi vẫn để ra được một khoản kha khá để gửi về quê cho chồng con. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả thành phố phải giãn cách để phòng chống dịch, tôi không thể đi bán hàng cũng không về quê được. Tôi phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, cứ ngỡ cuộc sống sẽ trở lại bình thường thì lại gặp phải “cơn bão” tăng giá, kéo theo mọi thứ chi phí sinh hoạt đều tăng cao. Điều đó khiến cho cuộc sống của những người làm nghề tự do như tôi đã khó khăn lại càng thêm vất vả”.

Thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm chi phí

 Giá cả tăng nhanh khiến cuộc sống chật vật cũng là tình trạng chung của nhiều người. Khi giá xăng tăng, mọi thứ cũng đều rục rịch tăng theo, chi phí tiêu dùng của người lao động tăng cao. Đặc biệt, người lao động tự thân, công nhân có khoản thu nhập ít, tiền tiết kiệm không nhiều thì khó khăn càng chồng chất hơn.

Theo các chuyên gia, hầu hết mặt hàng đều tăng giá do tác động của giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, nguồn cung xăng dầu mất cân đối trên thế giới và trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 7 lần tăng giá xăng, lên mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít.

Trao đổi với phóng viên, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thừa nhận, không thể xem nhẹ khủng hoảng về năng lượng, bởi người phần lớn những tác động đều "đánh lên" người nghèo.

Khi giá xăng tăng, mọi thứ cũng đều rục rịch tăng theo khiến người lao động gặp nhiều khốn khó (Ảnh minh họa)

"Giá xăng dầu tăng, chúng ta không thể xem nhẹ mà phải tính toán tới tác động của nó. Nhiều thống kê cho thấy, giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng lên 0,33%, đến khi tăng thêm 10% lần thứ 2 thì mức tăng của lạm phát giảm còn 0,27%, tăng 10% lần thứ 3 là 0,23%. Điều đáng nói, phần lớn những tác động tới giá cả, khủng hoảng kinh tế đều tác động tới người nghèo, vì thu nhập của người giàu rất lớn. Trong cơn bão giá, người nghèo ngày càng nghèo đi", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, giá xăng tăng, các mặt hàng khác cũng "té nước theo mưa" từ đó tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân.

"Do giá xăng dầu tăng, người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày, nhất là giao thông (chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình). Đồng thời, việc này cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", ông Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.

Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30-40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng từ 1,2 - 1,5 điểm % năm 2022 và lạm phát sẽ đội lên từ 0,8 - 1 điểm %.

Tác động kép của dịch COVID-19 và giá xăng khiến nhiều người dân khó chồng khó. Trong thời gian tới, ngoài hạn chế đi lại, tiết kiệm những khoản chi không cần thiết, việc lựa chọn các phương tiện công cộng để di chuyển là những cách để người dân thắt chặt chi tiêu, đảm bảo mức cuộc sống hàng ngày.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh: Không tự dùng thuốc điều trị hậu COVID-19

Chiều ngày 17/3, tại họp báo thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế thành phố cho rằng, trước tình trạng rao bán thuốc hậu COVID-19 tràn lan, người dân không nên tự ý mua thuốc uống; Dùng thuốc chưa qua kiểm định, không được kê toa rất nguy hiểm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-lao-dong-choi-voi-giua-con-bao-tang-gia-192079.html