Người lao động phải làm gì khi quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp không được đảm bảo?

22/08/2018 08:47

Kinhte&Xahoi Nhiều người lao động sau khi bị mất việc hoặc xin thôi việc nhưng không biết quyền lợi của mình như thế nào.

Anh Lò Văn Chung (Lai Châu) nêu câu hỏi: Trong thời gian làm việc, hằng tháng doanh nghiệp vẫn trừ số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp vào tiền lương của tôi. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp và nhận lại sổ bảo hiểm xã hội thì trong sổ bảo hiểm xã hội không thể hiện việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tôi làm việc tại đây. Như vậy, nếu tôi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tôi có quyền khiếu kiện doanh nghiệp không? Cơ quan nào sẽ giải quyết vấn đề này?

Ảnh minh họa


Trả lời:

Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có thông tin trả lời bạn như sau:

Theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho người lao động chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35; Khoản 15 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 37; Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo hiểm thất nghiệp thì ông Bình có quyền khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp với các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định nêu trên để giải quyết. Trình tự, thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định tại Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn.

Theo baodansinh.vn/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.