Môi trường thương mại điện tử có nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Tại chương trình, cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (quận Bình Tân) đặt vấn đề tình hình hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như người tiêu dùng. Trong khi đó, tình trạng quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội do các nghệ sĩ, bác sĩ quảng cáo khiến người tiêu dùng “bán tín, bán nghi”. Chính quyền thành phố có giải pháp gì để chấn chỉnh? Người tiêu dùng cần làm gì để phân biệt được sản phẩm chất lượng?
Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt cho biết, chống hàng giả trong thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng hiện nay rất khó khăn. Thực tế, cơ quan chức năng phải căn cứ vào quy định về nhãn hiệu sản phẩm, chỉ tiêu, giấy phép kiểm nghiệm để phát hiện và xử lý.
Các tổ chức chứng nhận sản phẩm như ISO, Viện Pasteur là chỗ dựa đáng tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người sản xuất phải có trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức ra quân kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phan Thị Việt Thu chất vấn, tổ chức kinh doanh sàn thương mại điện tử có trách nhiệm như thế nào với quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng phải đến cơ quan nào để giải quyết?
Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, pháp luật quy định các tổ chức kinh doanh cung cấp dịch vụ trên sàn thương mại điện tử phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, chịu trách nhiệm liên đới. Tuy vậy, pháp luật cũng cần điều chỉnh và thay đổi kịp thời để phù hợp hơn với thực tiễn.
Người tiêu dùng trong trường hợp bị thiệt hại, có thể liên hệ UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức; Sở Công Thương thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng như nơi diễn ra hoạt động mua bán của cơ sở kinh doanh. Đối với hàng hóa liên quan đến sức khỏe, an toàn thực phẩm, có thể liên hệ với cơ quan quản lý trực tiếp như Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố.
Mua hàng ở chợ truyền thống cũng gặp rủi ro về chất lượng. Ảnh minh hoạ
Cũng tại chương trình, cử tri Lâm Thị Thu (huyện Nhà Bè) băn khoăn, người dân không an tâm khi mua hàng ở các chợ truyền thống, nhất là mặt hàng thực phẩm. Cơ quan chức năng đã có những phương án gì để bảo vệ người tiêu dùng?
Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống, thức ăn đường phố, bữa ăn giữa ca của công nhân ở các khu chế xuất là vấn đề rất nóng. Hiện nay, thành phố có 236 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, hơn 13.000 cơ sở thức ăn đường phố. UBND các quận, huyện chỉ đạo xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm; các phường, xã cũng đã tổ chức 118 mô hình điểm về thức ăn đường phố...
Thúy Nhi - Nguyễn Lê - Hà Nội mới