Lên container là phải bỏ hết giấy tờ

Những ngày qua, cả thế giới chấn động trước vụ việc phát hiện 39 thi thể trong thùng container tại Anh. Trong khi chính quyền quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang khẩn trương xác minh rà soát thông tin liên quan đến nghi vấn có người Việt trong số các nạn nhân. Hiện tại đã có 28 gia đình trình báo về trường hợp người thân mất liên lạc khi đi Anh làm việc.

Những người đã từng tham gia vào những chuyến đi ấy đều không thể nào quên được hành trình để có thể đến được với “miền đất hứa”. Anh Minh Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) nhớ lại: Đầu năm 2015 anh vào TP Hồ Chí Minh gặp người môi giới để làm thủ tục sang Anh theo con đường lao động chui. Giữa năm 2015, anh bắt đầu xuất phát từ Hà Nội sang Nga, rồi từ Nga anh tiếp tục di chuyển bằng ô tô qua Pháp.

Anh Minh Nam nhớ lại hành trình của mình mà vẫn còn sợ hãi (tên nhân vật đã được thay đổi).

Nhưng chặng đường từ Pháp sang Anh mới thực sự gian nan và nguy hiểm, sẽ có 2 con đường cho người đi lựa chọn: một là đi "cỏ" (lén lút tự chui vào các container chở hàng); hai là đi theo dạng “VIP” tức là ngồi sau cabin ô tô và tài xế biết sự tồn tại của mình trên xe.

Nếu di chuyển bằng đường “cỏ” hết sức nguy hiểm và nhiều rủi ro. Hàng chục người chui vào thùng container tại một bãi tập kết rất rộng cách cảng biển Calais khoảng 80km rồi họ sẽ khóa kín lại, lúc đến cầu cảng, các cơ quan chức năng tại đây kiểm soát rất chặt chẽ khi vào container đều phải vứt bỏ giấy tờ tùy thân, chỉ đem theo chiếc điện thoại “cục gạch” đã tháo sim để tránh bị phát hiện.

Anh Minh Nam nhớ lại: “Lúc đầu mình đi theo dạng "cỏ" nhưng liên tiếp bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ. Sau nhiều lần không thành công, mình đã chi thêm tiền khoảng hơn 300 triệu đồng để đi đường "VIP" từ Pháp sang Anh bằng cách ngồi sau cabin ô tô. Khi đến gần cảng sẽ có người hướng dẫn mình lên các cabin ô tô để di chuyển sang Anh. Họ sẽ người hướng dẫn, sắp xếp mình lên xe nào. Ngồi sau cabin ô tô thì khá an toàn”.

Cũng theo anh Minh Nam, đường dây môi giới chỉ sắp xếp đưa lao động đến Anh, còn công việc là do lao động tự liên hệ kết nối. Sau 3 năm lao động tại Anh, anh kiếm được một ít vốn về quê làm ăn và quyết định không đi nữa vì thấy quá nguy hiểm.

Hành trình cắt rừng trong đêm

Để có thể đến được “miền đất hứa” ngoài việc bỏ ra một số tiền lớn người đi còn phải trải qua một hành trình vô cùng nguy hiểm. Theo lời anh Minh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi) người từng trải qua hành trình này nhớ lại: Năm 2003 anh quyết định sang Đức lao động. Để đến được Đức, trước tiên anh Tuấn phải đi Nga rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước nữa. Đặc biệt giấy tờ tùy thân đều bị hủy. Khi tình hình ổn định, các lao động sẽ được đưa đi bằng nhiều hướng khác nhau, làm theo hướng dân của người “môi giới”. Họ đi bộ vào ban đêm cắt rừng từ Nga sang Ukraina rồi vượt qua Ba Lan. Người lao động được đưa đi theo từng nhóm nhỏ 5 - 7 người và di chuyển hoàn toàn vào ban đêm, lịch trình thay đổi liên tục. Cứ hết mỗi chặng họ lại được đưa vào một nhà kho tiếp tục sống cảnh cách ly với thế giới bên ngoài. Hành trình từ Nga đi Đức của anh , kéo dài 9 tháng trời ròng rã.

Anh Minh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi), cho biết có 2 phương án sang Anh là đi "cỏ" và đi "VIP", tùy theo mức tiền mà người đi bỏ ra.

Sau nhiều năm làm việc ở Đức, đến năm 2006, anh Minh Tuấn lại quyết định sang Anh làm việc. Để có thể sang Anh, anh Minh Tuấn và 1 người bạn ở cùng quê phải đi qua Pháp. Sau khi đến được biên giới Pháp - Anh, hai người chờ đêm xuống để thuê người vượt biên sang Anh.

Vẫn có 2 sự lựa chọn cho người đi, 1 là “cỏ” 2 là VIP,  Cách VIP là thuê người dẫn đi bằng cách họ sẽ soi hàng hóa trong container nào đi Anh rồi khi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Còn cách “cỏ” là tự mình chạy theo các xe container phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong.

Cách VIP thì tốn kém hơn, nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác. Anh đã chọn phương án VIP để đảm bảo sự an toàn cho mình với tổng chi phí là 8.000 euro (vào thời điểm năm 2006). Nhiều năm trở về nước, nhưng mỗi lần nhớ lại “hành trình đến miền đất hứa” anh không khỏi  mà mình phải trải qua anh không khỏi rung mình.

Vỡ mộng trời Âu và “di sản” là khoản nợ khổng lồ

Dù nhiều năm trôi qua nhưng khi nhớ lại quãng thời gian từng, vượt biên trái phép sang Anh vào năm 2010, ông Võ Minh G. cũng không khỏi rùng mình.  Thời điểm đó, ông G về cầm cố sổ đỏ rồi vay mượn người thân được gần 400 triệu đồng để lo làm thủ tục. Đầu năm 2010, ông G. lên máy bay rời Hà Nội để sang Nga, nhưng vừa đặt chân xuống đất nước Nga toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu ông phải giao nộp. Rồi tất cả lên 1 xe tải thùng bịt kín bạt. Tất cả đều im lặng làm theo và nằm im trên chiếc xe thùng bịt kín để hành trình sang nước Anh.

Hiện tại trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 28 trường hợp trình báo mất liên lạc với người thân khi đi Anh làm việc

Suốt nhiều ngày liền ông chỉ nằm trên chiếc xe tải bịt kín bạt, cuối cùng ông G. cùng đoàn người cũng đến được đất nước Anh xa xôi.

"Khi đó, chúng tôi xuống ở một khu rừng. Chưa biết đi đâu thì cảnh sát đến phát hiện. Phải 7 tháng trời tại Anh tôi được cảnh át áp tải ra máy bay và trả về nước”. Về nhà, ông G. tìm kiếm thông tin của công ty đã từng đưa mình đi ra nước ngoài để đòi lại tiền nhưng không được. giấc mộng trời Âu vỡ vụn ông còn phải gánh nợ mà đến nay vẫn chưa trả hết…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội tại vũ trường, quán karaoke

Dịch vụ karaoke, vũ trường luôn tồn tại nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có việc nhiều cơ sở để cho khách hàng sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm. Sự ra đời của Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định (có hiệu lực từ tháng 9/2019) về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường hứa hẹn mang đến những chuyển biến tích cực, lành mạnh hóa dịch vụ này.

Nguồn: Pháp luật Plus