Ảnh minh họa
Năm 2015, lần đầu tiên các cơ quan quản lý đưa ra Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khuyến nghị áp dụng cho toàn thể doanh nghiệp (DN). Song khó khăn để Bộ quy tắc đi vào thực tiễn là DN không sẵn lòng thực hiện khi không phải văn bản pháp luật, không có chế tài, cũng chẳng có tổ chức nào có đủ thẩm quyền và đủ người để đi điều tra phân xử phán xét có quấy rối hay không.
Một vấn đề quan trọng khác là chưa có thống kê đầy đủ và cập nhật về tình trạng quấy rối nơi làm việc tại Việt Nam. Chỉ hiếm hoi có một vài số liệu như một nghiên cứu về bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện cùng một đơn vị khác hồi năm 2015; cho rằng 17% số người được hỏi trong khảo sát với ứng viên nhân sự cấp trung cho biết chính họ hoặc một số người họ biết từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy lợi ích tại nơi làm việc”.
Trở lại với dự thảo Bộ quy tắc mới, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận.
Dự thảo Bộ quy tắc phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới ba hình thức. Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có những cử chỉ động chạm cơ thể hoặc gợi ý tới tấn công tình dục... Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tình dục, nhận xét không phù hợp về xã hội, văn hóa, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
Cái khó là hình thức thứ ba, là quấy rối tình dục phi lời nói, gồm “dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay”…
Không ít người cho rằng nếu quy định “quấy rối tình dục” là “dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn”; thì chung chung quá, khó hiểu quá, thậm chí sẽ có trường hợp bị oan sai. Thế nào là “nhìn gợi tình”? Chắc các nhà ngôn ngữ học cũng không thể định nghĩa nổi. Có những người bị bệnh máy mắt, nếu quy định như trên, chắc cứ bước ra đường là bị quy chụp “quấy rối tình dục”?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, dạng trao đổi như gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích; hoặc không nhằm trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc khó chịu và bất an. Các hành vi này cần ngăn chặn, phòng ngừa qua các quy tắc cụ thể. Bộ quy tắc không phải là văn bản pháp lý nên không bắt buộc áp dụng, song cơ quan chuyên môn khuyến nghị áp dụng tại tất cả loại hình DN trong khu vực công lẫn tư nhân, dưới dạng nội quy lao động hoặc quy định riêng trong phụ lục nhằm làm “trong sạch” môi trường làm việc.
Đánh giá và khuyến nghị như trên là đúng. Nhưng cái cần thiết hơn nữa, là phải mô tả quy định rõ những hành vi cụ thể ra sao chứ không nên quy định chung chung, không rõ ý, không đúng bản chất hành vi như trên; nguy cơ dẫn đến việc Bộ quy tắc một lần nữa ban hành lại chỉ để… cho vui.
Minh Khang - Pháp luật Plus