Nhà báo cần nắm rõ 10 quy tắc ứng xử trên không gian mạng

25/06/2021 17:44

Kinhte&Xahoi Trong 2 ngày 24-25/6, Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TTT) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam” nhằm nâng năng lực đánh giá của nhà báo trên không gian mạng.

Vấn nạn tin giả trở nên nghiêm trọng

 Hội thảo về “Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam" vừa diễn ra nhằm góp phần nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số.

 Các diễn giả tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Phân tích về Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số, bà Sasion Kamon, chuyên gia dự án Phát triển truyền thông của UNESCO tại Bangkok, cho rằng, sự phát triển của môi trường số đã thay đổi hoàn toàn cách sản xuất và truyền đạt thông tin, từ đó khái niệm “nhà báo” và “báo chí” cũng được mở rộng.

Theo bà Sasion Kamon, ngoài những người làm báo chuyên nghiệp còn có các nhà báo không chuyên, người làm truyền thông, các blogger và "nhà báo công dân" khi họ tham gia vào các hình thức tự xuất bản trên Internet. Trước sự thay đổi đó, các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cũng cần cải tiến để phù hợp với xu thế.

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng Internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nhìn nhận về môi trường báo chí tại Việt Nam, bà Lucila Carrasco, chuyên gia Thông tin và Truyền thông của UNESCO Việt Nam, khẳng định sự phát triển của kỷ nguyên số và truyền thông đa phương tiện kéo theo nhiều sai phạm trên mạng. Đây là một vấn đề phức tạp và UNESCO luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cách ứng phó cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi có những công cụ hướng dẫn thực hiện đạo đức báo chí, cũng đã triển khai những chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người hoạt động truyền thông có trách nhiệm, ‘nghĩ trước khi chia sẻ’, kiểm chứng thông tin, tránh đưa tin giả, tránh gây hoang mang trong xã hội,” bà Carrasco nói.

Cùng quan điểm, ông Mogens Blicher Bjerregård, Chủ tịch Hội Nhà báo Liên minh châu Âu, cũng đưa ra tiêu chuẩn về đạo đức báo chí đó là: chính xác, độc lập và minh bạch, đồng thời cũng phải có độ nhạy cảm khi đưa tin về trẻ em và các nạn nhân.

Nêu quan điểm tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng cho rằng trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Trong kỷ nguyên số, cách thức, phương thức làm nghề không ngừng thay đổi nhưng đạo đức làm nghề, lý tưởng làm nghề không thể khác đi.
Nắm rõ 10 quy tắc đạo đức của người làm báo

Trong phiên thảo luận ngày 25/6, các chuyên gia đã đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam. Các chuyên gia cũng chia sẻ cách thức xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam. Ông nói rằng ranh giới giữa cái đúng và cái sai trên môi trường mạng rất mong manh, mọi người phải có trách nhiệm với nghề của mình. Chúng ta ý thức được những cạm bẫy, thách thức trên môi trường số để không vượt qua giới hạn.

Môi trường số đang tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta, bao gồm nhà báo do vậy chúng ta phải biết được những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường số để khai thác hợp lý. Mỗi nhà báo nên nắm rõ 10 quy tắc đạo đức của người làm báo và quy tắc ứng xử trên không gian mạng để áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn.

Trong khi đó, ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra lời khuyên cho các nhà báo là không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học- công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Tại Hội thảo, các diễn giả, nhà quản lý báo chí và truyền thông và nhà báo tham dự hội thảo đã có những thảo luận về tiêu chuẩn đạo đức báo chí trong môi trường số, thách thức trong việc triển khai quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam và làm sao để đối phó với thông tin sai lệch, tin giả, quá tải tin tức trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

 Hà Thanh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nha-bao-can-nam-ro-10-quy-tac-ung-xu-tren-khong-gian-mang-424940.html