Xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN cũng đồng nghĩa với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngay sau khi lập nước, Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện và ghi nhận rõ Nhà nước ta là Nhà nước của dân, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Trải qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tổng kết và xác định: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, về bình diện quốc gia, việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, cương lĩnh cần xuất phát từ nhận thức “lấy dân làm gốc”, lấy người dân là trung tâm, coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất; từ đó thúc đẩy Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả và cụ thể nhằm bảo đảm phát triển theo hướng đó.
Điều này có nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN cũng đồng nghĩa với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, với mục tiêu “pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra là “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh…”.
TS.Nguyễn Đình Quyền.
Tới đây, cũng đặt ra vấn đề phải làm sao tạo dựng cơ chế để nhân nhân kiểm soát quyền lực đầy đủ, toàn diện? Theo TS.Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, kiểm soát quyền lực là một hoạt động cơ bản, thường xuyên, mang tính bản chất của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước; hoạt động thể hiện và bảo đảm thực hiện chủ quyền nhân dân. Yêu cầu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với hoạt động này là làm thế nào để tạo dựng được một cơ chế kiểm soát quyền lực đầy đủ, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, ổn định, phù hợp và nhất là có hiệu lực và hiệu quả cao trên thực tế.
Theo TS Quyền, trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như các văn kiện của Đảng và qua hoạt động thực tiễn, có thể khái quát kiểm soát quyền lực nhà nước được thể hiện trên ba phương diện cơ bản.
Phương diện thứ nhất là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động của từng cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, có thể gọi là “kiểm soát nội bộ”.
Phương diện thứ hai là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với nhau trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, có thể gọi là “kiểm soát từ bên ngoài”.
Phương diện thứ ba là kiểm soát quyền lực từ các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và của báo chí, nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, có thể gọi là “kiểm soát từ các thiết chế chính trị”.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một quá trình lâu dài, từ nhận thức tới kiểm nghiệm thực tiễn. Nhưng nói một cách khái quát thì đó là xây dựng hệ thống các tư tưởng, quan điểm về việc thượng tôn pháp luật, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, để Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, có sự giám sát của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Quyết liệt cải cách tư pháp
Một trong những nhiệm vụ chiến lược của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, góp phần hiện thực hóa Nhà nước pháp quyền XHCN trên thực tế. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, thời gian qua, các thủ tục hành chính - tư pháp được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân…
Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC (nay là Bí thư Tỉnh ủy An Giang) khẳng định, hoạt động tư pháp đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ XHCN theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và góp phần giữ vững sự ổn định của đất nước, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội…
Cũng theo ông Quang: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cải cách tư pháp để chúng ta có được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN như mục tiêu Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra”.
Cùng với nhiệm vụ cải cách tư pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nêu rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước…”.
|
Khánh Chi - Pháp luật Plus