Tại một số chợ dân sinh, Ban Quản lý chợ phối hợp với các tiểu thương lắp tấm chắn giọt bắn trước quầy bán hàng để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Điển hình, trong ngày thứ 3 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, 70/150 quầy hàng tại chợ Bách khoa (quận Hai Bà Trưng) đã chủ động quây nilon nhằm hạn chế tiếp xúc gần giữa người bán và người mua, đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn. Đa phần những tiểu thương ở đây đều vui mừng và hy vọng phương án quây túi nilon sẽ giúp phòng chống dịch hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Người dân đều ủng hộ việc lắp tấm chắn tại chợ Bách khoa
Một tiểu thương tại chợ này cho hay, họ đã lắp tấm chắn từ vài ngày trước. Sau mỗi ngày kinh doanh, họ sẽ vệ sinh tấm chắn đảm bảo không để lây lan dịch bệnh vì hàng ngày có nhiều người đến tiếp xúc và mua bán. Theo tiểu thương này, mặc dù có đôi chút bất tiện trong việc mua bán nhưng mọi người đều ủng hộ biện pháp này.
Khi được hỏi một người đi mua hàng tại chợ, chị cho biết việc lắp tấm chắn tại chợ là rất cần thiết. Điều này giúp chị yên tâm hơn khi mua hàng. Giờ cứ vào chợ là chị chọn cửa hàng có lắp tấm chắn này thì tới mua và đây là cách làm hay nên triển khai ở nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội.
Việc thực hiện mua bán sau tấm chắn khiến cho cả tiểu thương và người dân đều yên tâm
Ngoài việc đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào chợ, tại chợ Quang, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), chính quyền địa phương áp dụng biện pháp căng dây để bảo đảm giãn cách và bố trí lực lượng chức năng giám sát người dân trong quá trình mua hàng. Bà Phạm Thị Lệ Mỹ (huyện Thanh Trì) cho biết: "Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tôi tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi mua hàng tại chợ. Tôi chủ động di chuyển và chọn mua hàng nhanh để tránh tụ tập đông người; Đặc biệt là giữ khoảng cách tiêu chuẩn 2m đối với người bán. Nếu cửa hàng nào có người mua thì tôi cũng đứng cách xa 2m chờ họ xong tôi mới tới".
Người dân đứng giãn cách trong quá trình mua hàng tại chợ Quang
Một biện pháp khác được phường Nhật Tân triển khai đó phát thẻ đi chợ theo khung giờ và theo ngày chẵn, lẻ cho người dân đi chợ Nhật Tân từ sáng ngày 27/7. Trên thẻ đi chợ được UBND phường Nhật Tân phát cho người dân có định danh của từng cá nhân; sử dụng phiếu ra vào chợ theo số thứ tự để giới hạn số lượng người đi chợ vào cùng một thời điểm, hạn chế số lượng người tập trung đi chợ, thực hiện giãn cách theo quy định, tránh sự tiếp xúc giữa nhiều người và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Phường Nhật Tân triển khai việc phát thẻ đi chợ cho người dân vào chợ Nhật Tân từ ngày 27/7
Một nhân viên bảo vệ chợ Nhật Tân cho biết, hôm nay là ngày đầu thực hiện việc phát thẻ vào chợ cho người dân nên khá vất vả trong quá trình kiểm tra và phân luồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng hướng dẫn người dân di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ, đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 2 mét khi thực hiện mua sắm. Hiện nay, vẫn còn một số hộ gia đình chưa có thẻ vào chợ, phường sẽ có những biện pháp làm việc linh động chứ không cứng nhắc.
Biện pháp này của phường Nhật Tân cũng được người dân ủng hộ. Họ hiểu rằng tất cả đều vì mục tiêu cuối cùng là sớm đẩy lùi được dịch bệnh nên ai cũng đồng thuận.
Theo đại diện phường Nhật Tân, do việc phát thẻ mới được triển khai nên trên địa bàn phường vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa được cấp phát thẻ vào chợ. Dự kiến, bắt đầu từ ngày mai, 100% người dân trên địa bàn sẽ có thẻ đi chợ được phân chia theo ngày.
Với những cách làm hay tại các chợ dân sinh - nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh nhanh chóng - hy vọng TP Hà Nội sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Ánh Dương - TTTĐ