Nhiều điểm mới tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

22/10/2018 08:22

Kinhte&Xahoi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng hôm nay. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Kỳ họp thứ 6 không chỉ là kỳ họp cuối năm mà còn là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc là rất lớn và có nhiều nội dung mới sẽ được trình Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

 

Trước hết, về kinh tế - xã hội, ngân sách, thông thường các kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ đánh giá kết quả trong năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo.

Nhưng lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như: Phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Việc xem xét các báo cáo trên không chỉ là nhìn nhận lại xem chúng ta triển khai được đến đâu, kết quả đạt được như thế nào, cái gì chưa đạt được, khả năng đạt được bao nhiêu mà quan trọng hơn là, trên cơ sở này, xác định xem có cần điều chỉnh hay cần thêm những giải pháp nào khác để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm hay không.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Những nội dung chính kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Về giám sát, điểm mới là kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Việc giám sát lại như vậy sẽ giúp Quốc hội đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, chỉ rõ trách nhiệm và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được các nghị quyết của Quốc hội.

Điều này cũng thể hiện quan điểm, phương pháp làm việc của Quốc hội, đó là, giám sát đến cùng việc thực hiện những vấn đề mà cử tri và nhân dân đã yêu cầu để tạo được chuyển biến rõ ràng trong thực tế.

Một điểm mới nữa liên quan đến chất vấn là kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH.

 

Theo VPCP/Phapluatplus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng nêu 3 đề nghị về liên kết Á-Âu

Cùng với Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hai nhà lãnh đạo dự ASEM được mời phát biểu chính thức tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu. Trước gần 400 lãnh đạo các tập đoàn lớn đại diện cho đông đảo các doanh nghiệp hai châu lục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 3 đề nghị.