Cụ thể, trong giai đoạn làn sóng dịch do biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước nguy cơ phải cấp cứu hoặc điều trị khẩn cấp là 87% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường, nhưng giảm xuống còn 66% trong tháng thứ 4. Hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện là 91% trong 2 tháng đầu sau tiêm nhưng giảm xuống 78% vào tháng thứ 4 sau khi tiêm. Nghiên cứu lần này được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 241.204 người đến thăm khám tại khoa cấp cứu hoặc khoa điều trị khẩn cấp, cùng 93.408 ca nhập viện là người trưởng thành mắc các triệu chứng giống Covid-19 trong khoảng ngày 26-8-2021 đến ngày 22-1-2022.
Trước đó, trong ngày 11-2, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp một phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể do hãng dược Eli Lilly phát triển. Có tên gọi là bebtelovimab, thuốc được truyền tĩnh mạch trong khoảng 30 giây đối với những bệnh nhân Covid-19 thể vừa và nhẹ, từ 12 tuổi trở lên, có nguy cơ cao bệnh diễn tiến nặng. Theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, thuốc có tiềm năng cao trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, bao gồm cả biến chủng phụ BA.2.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 12-2 cho biết, nước này đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài. Dự kiến, từ cuối tháng 2, các chính sách sẽ được nới lỏng đối với người nhập cảnh với mục đích kinh doanh trong ngắn hạn, ưu tiên các kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc liên quan đến tiện ích công cộng và lưu học sinh có nguy cơ không thể tốt nghiệp nếu không tham gia các buổi học trực tiếp tại trường đại học ở Nhật Bản. Từ đầu tháng 3, chính phủ sẽ nới lỏng cho toàn bộ đối tượng người nước ngoài xin thị thực mới nhập cảnh vào Nhật Bản.
Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) đã thông qua đề xuất hỗ trợ tới 3,55 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho 6 quốc gia là Myanmar, Lào, Việt Nam, Nepal, Kenya và Ethiopia. Trong đó, Việt Nam sẽ được nhận khoảng 300.000 liều.
Hoàng Linh - Hà Nội mới