Nhiều dự án giao thông đội vốn, trách nhiệm thuộc về ai?

05/06/2019 10:10

Kinhte&Xahoi Theo lịch trình, hôm nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn Quốc hội.

Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ tập trung trả lời là xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn 9.231,6 tỷ đồng

Trước phiên chất vấn này, những con số mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo lên Quốc hội khiến nhiều người phải giật mình vì rất nhiều dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA đội vốn cao ngất ngưởng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự việc này?.

27 dự án đội vốn thêm 122.350 tỷ đồng

KTNN mới có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán. Trong 42 dự án của Bộ GTVT có 27 dự án đội vốn, thêm 122.350 tỷ đồng và 97,27 triệu USD. Nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Điển hình như dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM điều chỉnh vốn 3 lần, tăng hơn 6.800 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với ban đầu. Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 3.000 tỷ đồng. 

Liên quan đến các dự án đường sắt, KTNN cho biết, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư hơn 29.900 tỷ đồng (tương đương 172,2%). Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 200% từ 8.7700 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng nhưng Bộ GTVT không báo cáo Chính phủ để xin chủ trương Quốc hội.

Cũng theo KTNN, các dự án giao thông ODA sử dụng tư vấn quốc tế chi phí cao gấp 7-10 lần so với trong nước. Điển hình, dự án tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước. Cầu Vĩnh Thịnh trên quốc lộ 2C gấp 7,8 lần, dự án Vramp gấp 7 lần.

KTNN đánh giá, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Cử tri xót xa vì đội vốn

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc để nhiều dự án giao thông đội vốn, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. “Đặc biệt là người đứng đầu Bộ GTVT phải giải trình trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để các dự án đội vốn lớn”, ông Liên nói và cho rằng, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT là cao nhất.

Cũng theo ông Liên, việc để nhiều dự án đội vốn còn phải kể đến trách nhiệm cơ quan tham mưu, các đơn vị tư vấn, thiết kế công trình. “Trong nhiều công trình, công tác tư vấn rất quan trọng. Từ các nghiên cứu tư vấn thì mới đề xuất phương án kỹ thuật, vật liệu, tổng mức đầu tư. Anh dự báo tổng mức đầu tư sai, đến khi thực hiện thì vốn đội lên  nên anh phải chịu trách nhiệm”, ông Liên nói và cho rằng, có nhiều công trình dự báo tổng mức đầu tư sai có thể do trình độ cơ quan tư vấn, nhưng cũng có trường hợp liên quan đến “lợi ích nào đó”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông – đô thị tỏ vẻ xót xa khi nhắc đến những dự án giao thông bị đội vốn lớn. “Nhất là những dự án đường sắt, đội vốn rất cao. Dân mình còn nghèo, vốn ODA đi vay mà dự án cứ đội vốn lên thì rất đau lòng”, ông Thủy nói và cho rằng, ngoài thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị thì việc đội vốn còn do quá trình quản lí, giảm sát yếu kém của các cơ quan nhà nước, nhất là Bộ GTVT.

Nói về dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Nội đội vốn 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) phải có trách nhiệm. “Anh nghiên cứu không sát thực tế, đưa ra dự báo sai về tổng mức đầu tư cũng như các hạng mục kỹ thuật nên vốn đội lên. Anh phải có trách nhiệm liên quan đến hậu quả của việc dự đoán sai của mình. Nhưng tôi chưa thấy đơn vị tư vấn nào bị truy trách nhiệm đến cùng cả”, vị chuyên gia nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể còn trả lời chất vấn Quốc hội những vấn đề như: Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ GTVT trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM