Nhiều thương lái trục lợi trên nỗ lực của nông dân

04/09/2019 10:49

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, nhiều nông dân đã tìm tòi, lai tạo ra những giống hoa quả mới với chất lượng cao, lạ miệng. Tuy nhiên, nhiều thương lái đã lợi dụng tâm lý yêu thích của người tiêu dùng để bán hàng nhái trục lợi.

"Na Đài Loan khổng lồ" gây sốt người tiêu dùng Việt

Mới đây, sản phẩm bắp nữ hoàng với trái bắp to, hạt tím biếc xuất hiện trên thị trường và nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Loại bắp này xuất xứ từ Thái Lan và được nhân giống thành công ở Việt Nam, có ngoại hình lạ, cách ăn cũng khác thường: không luộc ăn mà chỉ hấp, bỏ lò vi sóng hoặc ăn sống, vị ngọt đậm. Đồng thời, bắp nữ hoàng cũng được quảng cáo là lượng dinh dưỡng rất cao.

Chính vì thế, thời gian qua, loại bắp này rất “hút hàng” với giá bán trung bình từ 30 ngàn - 50 ngàn đồng/trái. Nhiều người bán còn cho biết, hàng bắp nữ hoàng sản lượng không nhiều, cơn sốt lùng mua từ người tiêu dùng cao nên luôn trong tình trạng hết hàng.

Mới đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện bắp nữ hoàng giả. Loại bắp giả này có giá bán như bắp nữ hoàng thật, ngoại hình cũng tương đương với màu tím, trái to nhưng không sậm màu bằng. Nhiều người tiêu dùng than phiền, sau khi mua về với giá cao mới biết bị lừa vì bắp ăn sống không được, luộc lên thì hạt rất cứng. Phía các đơn vị phân phối bắp nữ hoàng cũng đã lên tiếng đưa ra nhiều cách nhận diện, phân biệt bắp thật và giả, tuy nhiên, tình trạng người tiêu dùng bị lừa là không ít.

Trước đó, khi phong trào “na Đài Loan khổng lồ” gây sốt người tiêu dùng Việt, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Giống na này có kiểu dáng như na Việt, nhưng to gấp 3, 4 lần, vỏ cứng, chắc, láng bóng hơn, đồng thời thịt na cũng ngọt, dai hơn. Giá bán mỗi trái na từ một đến vài trăm ngàn, tùy vào kích cỡ.

Sau đó, nông dân Việt cũng đã nhân giống thành công giống na này. Khi cơn sốt này rộ lên, không ít người tiêu dùng bị lừa khi người bán dùng na Việt loại lớn, với kỹ thuật photo shop để chỉnh sửa ảnh rồi rao là “na giống Đài Loan” với giá thấp hơn. Nhiều cuộc tranh cãi giữa người mua - người bán đã nảy ra từ việc mua gian bán lận này. 

Một dòng hoa quả thường xuyên bị người bán “đánh lận” là dòng hoa quả không hạt. Như na không hạt (giống Thái, được nhân thành công tại Định Quán - Đồng Nai), bơ không hạt (Đắk Lắk), mít không hạt (Cần Thơ), dưa hấu, bưởi, cam… không hạt…

Các giống không hạt này có ưu điểm không có hạt đồng thời chất lượng cao, vị ngon hơn hẳn giống cũ, cũng được bán giá cao hơn giống cũ nhiều. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều người bán thiếu lương tâm cũng đã rao bán những sản phẩm “có hạt” với giá “không hạt”, hoặc trộn hàng có hạt và không hạt vào nhau để tăng lợi nhuận, vì các loại này khó phân biệt, chỉ khi ăn mới rõ được. Cách kinh doanh này gây mất lòng tin ở người tiêu dùng.

Có thể thấy, nông dân Việt đã thành công trong việc nhân giống nhiều loại hoa quả có nguồn gốc nước ngoài, hoặc tạo ra giống mới trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc thị trường phát triển tự do, không có kế hoạch phát triển đầu ra rõ ràng cho người nông dân đã khiến nhiều thương lái có cơ hội để gian lận, trục lợi cả hai đầu. Đây là một hiện tượng đáng buồn trong khi nông nghiệp Việt đang khởi sắc.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ Giám đốc người nước ngoài bỏ trốn: Hải Phòng thanh toán BHXH cho hơn 2000 lao động

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã cho phép Kho bạc Nhà nước Hải Phòng chuyển số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 9,3 tỷ đồng của Cục Thuế TP Hải Phòng để trả tiền BHXH cho hơn 2000 công nhân tại Công ty TNHH Kaiyang Việt Nam (số 196 đường Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An).

Nguồn: Pháp luật Plus