Nhìn lại 50 ngày đêm Hà Nội thần tốc chống dịch

13/09/2021 10:28

Kinhte&Xahoi Hà Nội bước vào giai đoạn giãn cách toàn xã hội dài nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ 6 giờ ngày 24/7. Theo đó, thành phố dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

6 giờ sáng 24/7, UBND TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Hà Nội bước vào những ngày đầu giãn cách, phố phường, đường xã vắng vẻ, ít người đi lại, các khu công cộng, nơi tụ tập đều được giăng dây phong tỏa.

Ngay trong ngày giãn cách đầu tiên, Hà Nội lập 22 chốt để kiểm soát người ra vào tại các cửa ngõ thành phố. Sau đó, chính quyền thành phố mở tối đa "luồng xanh" cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa thiết yếu vận chuyện lưu thông thuận lợi.

Trong nội thành, Hà Nội siết chặt hơn việc kiểm tra người đi đường bằng việc thành lập nhiều chốt. Công an thành phố thiết lập 80 điểm kiểm soát người đi lại. Hàng ngàn điểm chốt tại 300 xã, phường, thị trấn, khu dân cư mau chóng được hình thành. Thành phố yêu cầu người dân ra ngoài, đi làm phải có giấy tờ tùy thân, xác nhận có đóng dấu của cơ quan, đơn vị.

Theo mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 do Sở Tư pháp Hà Nội công bố: Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.

 
 

Thành phố Hà Nội đã kích hoạt công tác phòng dịch cao nhất, tận dụng tối đa nguồn lực, "thời gian vàng" của các ngày giãn cách để tổng lực tấn công, khoanh vùng, truy vết các ca bệnh, quyết tâm dập dịch trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Hà Nội cần nỗ lực, làm việc với tinh thần cao nhất để bảo vệ Thủ đô, sau đó sẽ có vai trò như "anh cả" chi viện cho các tỉnh thành khác quét sạch dịch bệnh". Theo đó, thành phố dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

Ngày 16/8, Công an TP Hà Nội lập 6 tổ tuần tra kiểm soát gồm các lực lượng Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và công an địa bàn… trên các tuyến đường nhằm xử lý vi phạm về giãn cách xã hội.

Ngày 29/8, Công an TP tăng cường thêm 6 tổ tuần tra kiểm soát đặc biệt nâng tổng số lên thành 12 tổ tuần tra kiểm soát thuộc công an thành phố.

Từ ngày 4/9, sau khi Hà Nội chia vùng trong đợt giãn cách thứ tư, Công an TP Hà Nội triển khai chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại phân vùng 1 (vùng đỏ). Trong đó, 21 chốt trực của thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao (16 cán bộ/ca/chốt), các chốt trực 24/24 giờ, chia làm 4 ca với chốt trưởng là cán bộ Phòng PC08 - Công an TP Hà Nội.

 
 

Lần đầu tiên, bản đồ dịch Hà Nội được phân vùng theo màu. Màu xanh là khu vực an toàn. Màu da cam là vùng có nguy cơ. Màu đỏ là những nơi có các ca F0. Bằng cách này, chính quyền xác định mức độ phòng chống dịch. Nhiều người gọi Hà Nội những ngày này là Hà Nội thời giăng dây. Dải phân cách mềm này đã trở thành ranh giới cứng trong tổ chức xã hội thành phố trong suốt 1 tháng "phong thành".

Từ ngày 1/8, tại nhiều khu vực bắt đầu thiết lập "vùng xanh"- vùng an toàn không có dịch tại các ngõ xóm, khu dân cư. Mô hình này được kỳ vọng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Các “vùng xanh” do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại đầu ngõ xóm, thôn trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.

Trải qua 50 ngày giãn cách, "vùng xanh" phủ gần hết các ngõ xóm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Lần đầu tiên Hà nội triển khai hình thức phát phiếu đi chợ. Chính quyền khuyến khích tiêu dùng online, cấp thẻ cho những nhân viên vận chuyển hàng hóa. Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần đối với những đối tượng bị tác động của Covid-19. Một số hoạt động từ thiện cũng đã mang đến cho người nghèo sự bù đắp quý báu khi dịch bệnh khó khăn.

Phần lớn các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội đều triển khai phát thẻ đi chợ quy định ngày đi chợ chẵn, lẻ cho người dân. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ. Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ được phép vào chợ mua hàng, người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định.

"HAI MŨI GIÁP CÔNG" CHỐNG DỊCH COVID-19

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chủ trương "thần tốc" phủ vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng để dần tạo miễn dịch cộng đồng.

Trong vòng 15 ngày, từ ngày 9/8 đến 17/8, một chiến lược xét nghiệm lớn nhất từ trước tới nay đã được triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã là các khu vực có nguy cơ cao. Thành phố đặt mục tiêu thực hiện trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, trên nguyên tắc nhanh nhưng phải đảm bảo chính xác, an toàn.

Từ ngày 6/9 đến 12/9, Hà Nội xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2 - 3 ngày/lần. Tại khu vực có nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5 - 7 ngày/lần. Tại các khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Ngày 9/9, nhiều quận, huyện ở Hà Nội bắt đầu tăng tốc triển khai tiêm vaccine cho người dân bằng cách tiêm cả ngày lẫn đêm và ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng trên 65 tuổi. Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày.

 
 

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong những ngày gần đây, số vaccine được tiêm ở Việt Nam liên tục đạt mức trên 1 triệu mũi/ngày. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Riêng tại Hà Nội, trong ngày 12/9, thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 được 573.829 mũi, nâng tổng số mũi tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của Ủy ban Nhân dân thành phố tính đến 18 giờ ngày 12/9 lên 4.480.426 mũi, trong đó sử dụng 4.088.460/4.591.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 89%..

Tính đến hết ngày 12/9, nhiều quận nội thành đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tiêm vaccine được giao, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm diện rộng. Đặc biệt, thành phố yêu cầu triển khai 3 ca tiêm/ngày, tức là tiêm cả buổi tối và chủ trương không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi, giảm tối đa mọi thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tiêm chủng nhanh nhất, an toàn nhất.

Nhiều quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy… đã huy động toàn bộ công chức trên địa bàn các phường tham gia trực, hướng dẫn người dân đến tiêm. Bên cạnh đó, các lực lượng hỗ trợ như đoàn thanh niên, cán bộ y tế các tỉnh, thành phố khác đã nhanh chóng phối hợp, triển khai nhuần nhuyễn các công việc trong dây chuyền, đảm bảo vừa nhanh, vừa an toàn cho người tiêm. Tại các huyện ngoại thành, công tác tiêm chủng cũng được khẩn trương thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo yêu cầu của Ủy ban Nhân thành phố.

Thành phố đặt mục tiêu tới ngày 15/9, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine Covid-19.

 Phạm Mạnh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo học sinh tiểu học không có máy tính để học trực tuyến

Năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh có hơn 100.000 học sinh tiểu học. Theo kế hoạch, ngày 13/9/2021 tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lễ khai giảng và nhập học. Tất cả đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên đến nay, gần 48.500 học sinh bậc tiểu học không có thiết bị để học trực tuyến.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhin-lai-50-ngay-dem-ha-noi-than-toc-chong-dich-covid-19-177122.html