Những bữa cơm ấm áp của người phụ nữ dành cho các bác sĩ

20/04/2020 16:14

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho chị Nguyễn Thanh Thủy vì đã nấu cơm tặng các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh.

Làm thiện nguyện với cái tâm của mình

Chia sẻ về những việc làm ý nghĩa của mình với PV báo Pháp luật & Xã hội, chị Thủy cho biết, chị là người làm từ thiện nhiều năm nay và không cần lên báo hay muốn nổi tiếng. Khi có nhiều ca nhiễm viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona tại Hà Nội, chị cảm thấy mình cần phải làm gì đó để giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. “Đó là ý tưởng tôi bột phát nghĩ ra, không hề có kế hoạch từ trước, nó giống như mọi người hay nói là bắt “trend” ấy thì tôi cũng vậy. Mọi người có thể ủng hộ mỳ tôm… nhưng tôi nghĩ đến sự vất vả của các bác sĩ, nhiều người từ Tết đến giờ không được về nhà, không được ăn cơm nhà. Do đó, tôi hướng đến những việc làm thiết thực, nghĩ ngay đến việc nấu cơm cho các bác sĩ”, lời chị Thủy.

Chị Nguyễn Thanh Thủy- người được Chủ tịch UBND TP Hà Nội vinh danh “Người tốt việc tốt”.

Sau đó, chị Thủy đã liên hệ với tổng đài của Bộ Y tế xin số liên hệ của nơi điều trị nhiều nhất cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và chị được cho số liên hệ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh. Nghe chị Thủy trình bày mong muốn nấu cơm kèm nước hoa quả, sinh tố ủng hộ các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, nhân viên trực đã rất vui mừng và cho biết, các bác sĩ tại đây xa nhà, mọi người ăn cơm hộp nhiều nên cũng nhớ, mong những bữa cơm gia đình. Để thực hiện kế hoạch, chị Thủy đã liên hệ với một số bạn bè nhờ mọi người hỗ trợ thêm. Cả tối hôm đó chị trằn trọc, khó ngủ để nghĩ về món ăn vừa ngon lại hợp khẩu vị với nhiều người nhưng cũng phải đảm bảo chất dinh dưỡng. Sáng hôm sau chị đã nấu 120 suất cơm có tôm rang, canh ốc chuối đậu, nước ép trái cây, sinh tố bơ.

Để chuẩn bị những suất ăn tươi, 5g sáng chị đi chợ mua 100kg tôm, chuối, ốc, đậu mang về nhà chế biến. Khi cơm và thức ăn cũng như sinh tố được đóng hộp đầy đủ, chị Thủy lái xe mang 120 xuất cơm đến nơi các bác sĩ đang ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Rồi ngày tiếp theo, chị tiếp tục nấu 90 suất cơm với 100 chai nước ép. Sau 2 ngày nấu cơm phục vụ bác sĩ, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh đã đặt cơm tại căng tin và mọi người ở đây đã nhờ chị Thủy nấu 30 suất cơm đặc biệt dành cho bác sĩ ở trong phòng cách ly hoàn toàn và 100 suất chè để mọi người ăn bổ sung.

Chị Thủy mang các suất cơm lên cho các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh.

Chị nấu đến ngày thứ 6, khi các bác sĩ đặt cơm ở căng tin và sức cũng có giới hạn thì chị tạm dừng. Người phụ này còn tặng 10 nồi nấu điện cho các bác sĩ để mọi người có thể đun nước nấu mỳ, pha cà phê.

Ký ức tuổi thơ nghèo khó

Trong nhiều năm qua, chị Thủy đã làm rất nhiều chương trình thiện nguyện với cái tâm của mình, chị đi nhiều tỉnh, trao những phần quả đến các hoàn cảnh khó khăn. Và chính chị Thủy cũng là người thực hiện những chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân ung thư về quê ăn Tết mỗi năm.

Các món ăn chị Thủy nấu phục vụ các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh.

Kể với PV, chị Thủy cho biết, chị sinh ra trong một gia đình đông con, hoàn cảnh cũng không mấy khá giả. 18 tuổi vác ba lô ra khỏi nhà lên thành phố Hà Nội học, chị một mình bơ vơ nơi đất khách, vừa học vừa đi làm thêm để lấy tiền. Có thời gian khó khăn, chị phải bảo lưu kết quả học tập để đi làm thêm rồi lấy tiền học tiếp. Ra trường, chị Thủy lập gia đình, cuộc sống hai vợ chồng tưởng chừng yên ả nhưng rồi nhiều vấn đề ập đến. Từ việc bố chồng bị tai nạn phải chăm sóc, chạy chữa đến việc bố mắc ung thư phải mổ và điều trị, gánh nặng gia đình lại dồn lên đôi vai. Chị phải chạy vạy lo toan. Là một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, độc lập, chị đã cố gắng vượt qua những biến cố.

 Đến nay, 14 năm đi thuê nhà, 3 con nhỏ, bố mắc ung thư, phải làm đủ nghề để kiếm sống nuôi gia đình nhưng chị Thủy lúc nào cũng lạc quan và rất chăm chỉ làm từ thiện. Cứ thấy ở đâu có người khó khăn, trẻ em thiệt thòi, hoặc đồng bào gặp thiên tai, dù xa xôi đến mấy chị Thủy cũng đến tận nơi gửi đồ tiếp tế. Chị cười nói: "Lá rách ít đùm lá rách nhiều".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thực hiện khai báo y tế khi mua thuốc ho, sốt: Chống dịch, chống cả bán thuốc tùy tiện

UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc lập sổ theo dõi thông tin người mua, nhất là những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở phải khai báo y tế. Biện pháp này vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa lấp lỗ hổng dược sĩ thành… “bác sĩ”, bán thuốc không kê đơn tồn tại lâu nay tại các cửa hàng thuốc. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, không phải cửa hàng thuốc nào cũng nghiêm túc thực hiện yêu cầu này.

Ngày thứ 19 thực hiện cách ly xã hội tại Hà Nội: Cần mạnh tay xử lý hiện tượng tái phạm

Ngày chủ nhật 19-4, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, trên địa bàn nội thành, tình trạng người dân vi phạm, tái phạm trong việc thực hiện quy định cách ly xã hội diễn ra ở khá nhiều nơi. Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành hiện tượng nơi nghiêm túc, nơi vi phạm và tái vi phạm diễn ra song hành. Thực trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng tại các địa phương cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là các trường hợp tái phạm.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/nhung-bua-com-am-ap-cua-nguoi-phu-nu-danh-cho-cac-bac-si-189486.html