Lầu Y Sùa cùng Hờ Y Ninh lấy chồng từ năm 13 tuổi giờ đã có 4 mặt con
Tục bắt vợ của người Mông, được xem là một nét đẹp văn hóa ngày đầu năm mới, nhưng dường như đã bị biến tướng, bị lợi dụng trở thành hủ tục. Đây cũng được xem là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình.
Mỗi dịp Tết đến xuân về bậc làm cha, làm mẹ và chính quyền địa phương thêm nỗi lo nạn tảo hôn. Đối với những cặp “vợ chồng trẻ con” thông thường sau khi cưới không đến tư pháp xã đăng ký kết hôn mà tự chung sống với nhau khi đến tuổi mới đến đăng ký.
“Như trước cứ thích là bắt về làm vợ nhưng giờ đa phần các đôi bạn trẻ chưa đủ tuổi kết hôn tự lên kế hoạch trước rồi làm theo như một hủ tục để tránh sự phản đối của gia đình. Giờ đây, năm nào sau Tết cũng có khoảng chục em bỏ học về lấy chồng. Đáng lo ngại hơn khi tình trạng tảo hôn tăng mà số tuổi thì giảm”, anh Vì Quang Bảnh, Cán bộ tư pháp xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hay.
Là người làm giấy tờ đăng ký kết hôn, khai sinh, anh Bảnh cho biết, ở các bản vùng sâu vùng xa hiếm hoi lắm mới có cặp vợ chồng lấy nhau đúng tuổi kết hôn. Đa phần ở bản gái 13-14 tuổi đã nghỉ học lấy chồng, con trai cứ 16-17 tuổi bắt đầu có những ý nghĩ đi bắt vợ.
Nhất là dịp Tết, trong những đêm chợ tình, có cặp đôi chỉ gặp gỡ một lần nhưng nếu cả hai thích nhau thì lên kế hoạch để bắt vợ cho có lễ. Không ít lần đi tuyên truyền, anh Bảnh gặp phải cảnh dở khóc dở cười khi nhắc nhở những trường hợp tảo hôn thì người cha người mẹ lý sự con ế, ai chịu trách nhiệm. Còn bọn trẻ thì dọa, không cho lấy nhau chúng sẽ lên rừng ăn lá ngón tự tử.
Khó ngăn chặn
Theo thống kê từ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, từ năm 2014-2018, qua khảo sát trên 7 huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông, Quế Phong….có 902 cặp tảo hôn. Điều đáng quan tâm là tình trạng tảo hôn gia tăng hàng năm và độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm, từ độ tuổi dưới 16 đến dưới 18, nay có những cặp tảo hôn ở độ tuổi 12-13 tuổi.
Đơn cử, tính trong 3 năm gần đây, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) có 87 cặp tảo hôn, trong đó dưới 16 tuổi là 34 trường hợp; Mường Lống (Kỳ Sơn) 80 trường hợp; Tam Hợp (Tương Dương):54 trường hợp. Nhìn vào những con số các cặp tảo hôn khiến nhiều người phải giật mình. Bởi lâu nay, nhiều đề án, phong trào xóa bỏ nạn tảo hôn được đẩy mạnh, thế nhưng ở những vùng núi cao của tỉnh Nghệ An, vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết mà còn tồn tại âm ỉ để lại nhiều hệ lụy.
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ, trong 3 năm thực hiện đề án về giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê trong 4 năm gần đây tỷ lệ tảo hôn có giảm, nhưng rất ít.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó chủ tịch huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, qua thống kê trong hai năm từ năm 2016-2018 trên địa bàn có 169 cặp đôi tảo hôn. “Cái khó hiện tại là thiếu nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình. Ngoài ra chưa có biện pháp xử lý các trường hợp nhằm răn đe nên chưa có hiệu ứng tốt. Riêng đối với người dân tộc công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do nhận thức kém, đường xá đi lại khó khăn, hình thức tuyên truyền chưa mang tính chiều sâu”, ông Nhất cho hay. |