Những khu vực ô nhiễm không khí ở Hà Nội người dân nên biết

07/01/2025 16:31

Kinhte&Xahoi Ngày 7-1, chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội tiếp tục bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều khu vực ở mức cảnh báo xấu và rất xấu, chỉ số chất lượng không khí ở mức 151 đến hơn 201 (thang màu đỏ và tím) người dân nên biết để có biện pháp bảo vệ sức khỏe khi di chuyển ngoài đường và những khu vực không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Các khu vực ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong ngày 7-1. Ảnh chụp màn hình

Số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào lúc 8h ngày 7-1, trong số 13 khu vực đặt trạm quan trắc chất lượng không khí hoạt động thì 10 điểm cảnh báo ô nhiễm không khí ở thang màu đỏ và tím, chỉ số AQI từ 151 đến 207 và có xu hướng tăng mức ô nhiễm trong vài giờ tới; có 3 khu vực chất lượng không khí ở mức kém, chỉ số AQI từ 122-144.

Khu vực ô nhiễm nghiêm trọng nhất là đường Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), chỉ số AQI ở mức 207; xã Vân Hà (huyện Đông Anh) là 188; xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) 176; thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) 174; phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) 162; khu vực thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) là 161 và 160…

Trong khi đó, cổng thông tin quan trắc môi trường của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đo được thì trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 khu vực chỉ số ô nhiễm không khí rất xấu, thang màu tím, là: Khu vực Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng), AQI ở mức 226 và số 556 đường Nguyễn Văn Cừ ở mức 216, khu vưc công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến, chỉ số AQI ở mức 151…

Theo ứng dụng quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội đứng đầu cả nước về mức độ ô nhiễn không khí. Người dân Thủ đô nên biết để hạn chế di chuyển đến các khu vực trên để bảo vệ sức khỏe.

Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo, khi chỉ số AQI ở mức xấu trở lên (từ 151 đến trên 300), người dân nên hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Hằng ngày, người dân vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm, tránh các hoạt động ngoài trời và nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị…

hanoimoi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://hanoimoi.vn/nhung-khu-vuc-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-nguoi-dan-nen-biet-689688.html