Những mất mát xót xa của lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19

23/08/2021 15:06

Kinhte&Xahoi Hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm COVID-19 và đã có 3 người không thể qua khỏi do nhiễm bệnh trong quá trình phụng sự người bệnh. Trong cuộc chiến dài hơi này, nếu không có sự tiếp sức, đồng hành, hàng chục nghìn nhân viên y tế sẽ không thể trụ vững được ở tuyến đầu chống dịch.

Các y, bác sĩ làm việc bằng 500% sức lực, nguy cơ rình rập ở tuyến đầu

Làm việc bằng 500% sức lực, nguy cơ rình rập ở tuyến đầu

Hiện cả nước đã vượt mốc 320.000 ca nhiễm COVID-19, có 180.000 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Gánh nặng này đè lên vai mặt trận điều trị. Những khó khăn thách thức đã được dự tính từ trước cũng chưa bao giờ tính tới một bài toán số ca nhiễm tăng khủng khiếp như hôm nay.

Thiếu nhân lực, đặc biệt nhân lực hồi sức tích cực là một bài toán mà kể cả thành phố giàu nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt. Kế đó các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp cũng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Tất cả đều hướng về Bộ Y tế với sự kêu gọi “chi viện”.

Hơn 13.000 cán bộ y tế đã chi viện cho chiến trường miền Nam và còn hàng nghìn tình nguyện viên khác đăng ký xin hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh ở nhiều vị trí. Con số được cho là lớn nhất từ trước đến nay trong công cuộc chống dịch, nhưng nó chưa thấm vào đâu với số ca nhiễm tăng mạnh trong 10 ngày liên tiếp vừa qua. Hãy nhìn vào số ca nhiễm của top 4, để thấy tốc độ tấn công khủng khiếp của biến thể Delta. TP. Hồ Chí Minh đã vượt mốc 164.000 ca nhiễm, Bình Dương vượt mốc 55.000 ca nhiễm. Các tỉnh Long An, Đồng Nai cũng đã vượt mốc 15.000 ca nhiễm.

Trong cuộc chiến này, các nhân viên y tế đang phải đối mặt với việc thiếu trang thiết bị bảo hộ, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn. Hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Áp lực về mặt tâm lý, ba ca bốn kíp, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục, rà soát từng khâu. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt trong quá trình khám chữa bệnh.

Hỗ trợ cho Đồng Tháp từ khi tỉnh này bùng phát dịch, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang đang phải đối mặt khó khăn chưa từng có. Khó khăn lớn nhất là thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu vì đây là ngành đặc thù, các bác sĩ các chuyên ngành khác không thay thế được bác sĩ hồi sức. Vì thế, nhiều người phải làm việc đến 500% sức lực.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, tại TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 900 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên y tế như yêu cầu tập huấn kỹ, trang bị đồ phòng hộ chặt chẽ... nhưng thực tế nhiều cán bộ, sinh viên lần đầu tiếp cận bệnh nhân COVID-19 vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, làm việc tại cơ sở điều trị F0 nồng độ virus cao, nguy cơ lây nhiễm càng tăng. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu sơ suất, không quản lý tốt cũng có thể bị lây nhiễm.

Trong thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng. Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc bảo đảm khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình một chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại TP. Hồ Chí Minh, nơi có số lượng ca nhiễm rất lớn, thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn bảo đảm được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.

Theo ông Khoa, dù đã được chi viện từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhưng số lượng cán bộ nhân viên y tế tại đây cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm cho lực lượng tuyến đầu. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, ông Khoa đề xuất cần phải bổ sung thêm lực lượng y tế hỗ trợ để giảm tải cho đội ngũ đã chi viện thời gian qua.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, có gần 900 trường hợp cán bộ y tế bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, một số nhóm lây nhiễm từ gia đình, không tránh khỏi rủi ro.

Tích cực điều trị bệnh nhân cấp cứu ở Bệnh viện Dã chiến số 10, TP Hồ Chí Minh

Cần sát cánh hơn nữa cho y tế tuyến đầu

Có những nhân viên y tế đã lăn lộn ở tuyến đầu suốt hơn 3 tháng qua. Đó là những vị trí không thể đảo quân, không thể có ai thay thế. Các bác sĩ hồi sức tích cực gần như kiệt quệ sức lực vì ngày ngày đối diện với áp lực và tâm lý làm việc căng thẳng khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh. Số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh. Trong số hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, đã có nhân viên y tế tử vong trên mặt trận điều trị gồm 2 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh và 1 trường hợp tại Bình Dương là nỗi xót xa, trăn trở lớn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi lên đường, các y, bác sĩ đều đi với tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Tất cả các nhân viên y tế chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên, thực tế các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã hỗ trợ, gửi tặng cho lực lượng y tế nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không bảo đảm. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng mạnh thường quân, thậm chí cả những nhân viên y tế mới nhiều khi vẫn mua và sử dụng nhầm các thiết bị nhái, rất khó để phân biệt.

“Theo tôi phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Đây là mối đe dọa rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu”, bác sĩ Cấp nói.

Bày tỏ chia sẻ với những khó khăn vất vả của các chiến sĩ tại tuyến đầu, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần có chính sách riêng chăm sóc cho lực lượng y tế tuyến đầu, trước hết là chú trọng 3 nội dung phụ cấp gồm: phụ cấp về độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp làm việc ngoài giờ. Đồng thời, cần có sự ưu tiên cho gia đình, người thân của nhân viên y tế được tiêm vaccine.

“Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Phải có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. Thời gian tới, cần đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển. Tôi kiến nghị với Công đoàn Y tế Việt Nam, gắn trung tâm hồi sức cấp cứu với địa bàn kinh tế của địa phương để phối hợp hiệu quả hơn trong công tác chống dịch”, ông Lộc bày tỏ.

PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn Y tế đã hai lần đề nghị Tổng liên đoàn đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ như tiêm vaccine. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tặng bằng khen cho tất cả các nhân viên y tế tham gia chống dịch.

Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị thời gian tối đa chi viện của mỗi đoàn y tế tăng cường chỉ trong 2 tháng để bảo vệ sức khỏe cho anh em. Đồng thời, các địa phương cần thành lập các bộ phận tư vấn tâm lý để giảm stress cho y, bác sĩ và đường dây nóng để hỗ trợ cho đội ngũ này.

 Đức Minh - Lam Ngọc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo hiểm thất nghiệp: “Cứu cánh” cho người lao động trong mùa dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động việc làm bị thu hẹp khiến cho nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí cuộc sống. Do đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ tích cực, thiết thực cho người lao động vượt qua khó khăn, giúp họ tìm việc làm mới, sớm quay trở lại thị trường lao động.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-mat-mat-xot-xa-cua-luc-luong-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-174526.html