Những người dệt ước mơ trên núi

20/11/2020 06:35

Kinhte&Xahoi Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tiếp tục kể câu chuyện lặng thầm vượt khó của 63 giáo viên là những người con dân tộc thiểu số, được “sinh ra từ bản”...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Bằng khen tặng các thầy cô giáo được tuyên dương.

6 năm qua, chương trình đã tôn vinh gần 300 giáo viên đặc biệt như những thầy cô “gánh chữ” lên non cao, giáo viên cắm đảo vì học trò, hay các giáo viên mang quân hàm xanh - ngày giữ biên cương, đêm về thắp đèn dạy học, những thầy cô dạy trẻ khuyết tật miệt mài “thắp sáng những ngọn nến cong”…

Những nấc thang đầu tiên cho thế hệ mới

Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh (SN 1993, dân tộc Hrê) đã gần 7 năm gắn bó với Trường mẫu giáo An Dũng, dạy dỗ những mầm non của quê hương An Dũng - xã nghèo của huyện An Lão, Bình Định. Người dân ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số Hrê.

Để có hạnh phúc được “gieo” những con chữ đầu tiên cho người đồng bào mình, cô đã không ngừng nỗ lực vượt qua những năm tháng khó khăn khi sinh ra trong gia đình nghèo 8 anh chị em. Những năm tháng sinh viên CĐ Sư phạm Trung ương, cô vừa học vừa làm thêm ở Hà Nội.

Theo cô Linh, những cô giáo mầm non tương lai phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung. Với cô những ngày đầu, nghĩ đến những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương… cô lại cố gắng vươn lên.

Đó cũng là động lực để cô Linh vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề khi đi dạy. Cô kể, địa hình quanh co, người dân sống dọc hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng không có cầu. Đến mùa mưa, học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu qua lại. Có những hôm, cha mẹ các em đi làm xa không về kịp để đón con, cô phải cõng từng em qua sông để trở về nhà…

Thầy giáo Phạm Văn Nam (SN 1981, dân tộc Mường) đã bắt đầu những ngày đầu tiên của nghề “gieo chữ” ở Trường THCS Lũng Cao (sau là Trường phổ thông Cao Sơn) huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Trường cách trung tâm thị trấn hơn 20km với con đường mịt mù bụi ngày khô và lầy lội những ngày mưa; nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển mà như nhiều người thường gọi “Sa Pa của xứ Thanh”. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái với nhiều khó khăn về giao thông, khí hậu, điện thắp sáng chưa có. 

Thầy Nam chia sẻ: “Một ngày thu của năm 2006, tôi cùng hai đồng nghiệp men theo đường mòn với những đoạn dốc thẳng đứng để lên với Cao Sơn. Trước mắt chúng tôi là hai phòng học tranh tre, nứa lá mà sự tưởng tượng dù có lãng mạn đến đâu tôi cũng không nghĩ ra, gọi là phòng học nhưng thực ra là những thanh tre ghép lại đặt trên nền đất ẩm ướt”.

Cảm xúc của thầy Nam không phải là sự háo hức mà là rưng rưng khi thấy học sinh quần áo rách, đôi chân trần trong giá lạnh của vùng cao dù đang ở mùa thu. “Ánh mắt trong veo của học sinh khi ấy có lẽ là động lực lớn nhất để tôi gắn bó với vùng đất này, cuộc sống có phần hoang sơ và con người chân thật, mến khách đến kỳ lạ, thầy Nam kể.

Cô giáo Lồ Thị Lan (SN 1990, dân tộc Bố Y) đã gần chục năm bám bản, bám trường “gieo chữ” trên vùng cao còn nhiều gian khó mà “khát” chữ và “khát” nước luôn thường trực vây quanh. Cô Lan có 9 năm gắn bó với vùng đất Dìn Chin - xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Mường Khương, Lào Cai. Tháng 6/2011 tốt nghiệp ra trường, đến tháng 9 cô cầm quyết định lên nhận công tác ở Trường Tiểu học Dìn Chìn với tâm thế sẵn sàng đối mặt với những gian khó, thiếu thốn.

 Cô giáo Lồ Thị Lan.

Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan làm, cô Lan cùng đồng nghiệp lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh đi gần 1km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng từng giọt nước. Mỗi can nước là một phép thử về sự kiên nhẫn của người đi lấy, bởi ai cũng phải chờ đợi, xếp hàng.

Có hôm phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình để lấy được 2 can nước về. Cả thôn cũng chỉ có một nguồn nước bé tí ti, nước chảy ít và chậm. Cách nguồn nước này không xa có một khe nước khác, nhưng phải vượt qua đoạn đường dốc đá lởm chởm. Sức người không nổi, có khi mang về đến nhà đã rơi, đổ hết.

Cô Lan chia sẻ, bài học đầu tiên của cô và trò vùng đất “khát” Dìn Chin là “nước quý hơn vàng”, là cách sử dụng nước tiết kiệm và thông minh. Nước vo gạo để rửa rau, rồi dùng nước rửa rau để rửa bát... Cô trò ở đây đều rất thích mưa. Trời mưa lớn giống ngày hội để mọi người hồ hởi cùng nhau hứng nước dùng cho sinh hoạt, để tưới tắm, giặt giũ quần áo, lau rửa đồ dùng.

“Là người dân tộc thiểu số, người con của bản làng nên tôi hiểu những khó khăn của học trò. Chính vì không muốn để học trò bị mù chữ, tương lai phải gắn bó cả đời với nương rẫy mà cái đói nghèo vẫn cứ bám riết nên tôi luôn tự nhủ chịu khó hi sinh một chút, chấp nhận khó khăn để dạy chữ cho các em”, cô Lan tâm sự.

“Tôi đã chọn cho mình nghề giáo, chỉ mong được góp một phần sức lực nhỏ bé trong việc “gieo” những ước mơ, đặt những nấc thang đầu tiên cho một thế hệ mới. Dù là thầy, cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết nói điều hay làm việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội”…

Trăn trở người thầy

Hơn 11 năm gắn bó với mái trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang là từng đó thời gian cô Nông Thị Tuyến (dân tộc Tày) vượt qua bao gian nan, hai vợ chồng phải làm việc xa, con nhỏ không may mắc bệnh teo thực quản và câm điếc bẩm sinh. Bản thân lại mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn, có những lúc cô phải xin nghỉ ở trường để điều trị, đi truyền hóa chất... nhưng cô Tuyến luôn tâm niệm “lửa thử vàng gian nan thử sức”...

Các cô chia sẻ tại chương trình "chia sẻ cùng thầy cô".

Đó dường như cũng là động lực để cô Hoàng Thị Cúc (dân tộc Tày), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Sơn Động, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để bám trụ với nghề.

Những thầy cô dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài giờ lên lớp soạn giáo án vẫn tìm các công việc làm thêm vất vả để có thêm tiền hỗ trợ các em học sinh quyển vở, cái bút hay manh áo, bữa cơm để các em yên tâm đến lớp mỗi ngày. Các thầy cô không chỉ dạy học trò kiến thức mà như người cha, người mẹ thứ hai.

Gia đình chồng cô Cúc thuộc hộ cận nghèo của huyện Sơn Động, hơn nữa sức khỏe chồng lại yếu không có việc làm, lương hợp đồng giáo viên hơn 3 triệu đồng của cô là nguồn cung chính nuôi cả gia đình. Bởi vậy, cứ sau giờ lên lớp, cô tất bật với công việc bán đồ ăn, phụ rửa cốc chén... tới 12 giờ đêm để nuôi sống gia đình. Cô đã nghèo, học trò còn khó hơn, bởi vậy không ít lần đồng lương ít ỏi của cô cũng để cưu mang học trò, giúp các em có thêm quyển vở, cây bút đến trường.

“Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng việc những học sinh của mình đạt giải các môn văn hóa, thể dục thể thao, chăm lo đời sống học sinh, cùng sự sẻ chia của đồng nghiệp đã giúp tôi kiên định với nghề và vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, cô Hoàng Thị Cúc chia sẻ.

Và đó là cô Phùng Thị Thủy (dân tộc Thái), tại tại Điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, thường chỉ vào dịp cuối tuần, cô mới được liên lạc về gia đình một lần.

“Trước đây, điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện, nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày”, cô Thủy cho hay.

 Thầy giáo chia sẻ tại chương trình “chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Là một trong những thầy giáo có nhiều năm công tác và gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số, thầy K’Dĩnh, giáo viên dạy Trường Tiểu học Tân Phúc 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận chia sẻ: “Dù tôi chỉ dạy học sinh ở cấp 1 nhưng tôi vẫn luôn theo dõi các em lên các cấp cao hơn. Nhưng tôi thấy một thực trạng đáng buồn là cứ lên cấp 2 các em bỏ học rất nhiều. Khi tôi trao đổi với các em bỏ học, tôi biết học sinh thích thì đi học không thích thì không đi. Và làng tôi cũng vậy. Một phần nữa phụ huynh khoán trắng cho thầy cô bởi vậy tỉ lệ bỏ học rất cao”. 

Cô giáo Vàng Ha De, dân tộc La Hủ, giáo viên Trường Mầm non Bum Tở (huyện Mường Tè, Lai Châu) cho biết: “Những năm trước, dường như ngày nào chúng tôi cũng phải xuống bản để gọi học sinh chứ các em không bao giờ tự đến học. Bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần phải lên tận nương để thuyết phục. Nhiều phụ huynh đáp lại rằng các cháu còn nhỏ nên không cần phải học, ở nhà thì không có gì ăn nên phải đi theo bố mẹ để làm nương”…

Ở đâu đó, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng với các thầy cô vùng khó khăn, nơi chỉ có trời mây và gian khó, tình thầy trò dường như vẫn nguyên giá trị. Hình ảnh những người thầy đầu tiên, rưng rưng tình người ấy, sẽ đi theo các em suốt cuộc đời… 

 Uyên Na - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-nguoi-det-uoc-mo-tren-nui-d141122.html