Tiếng chim vang lên hối hả từ một chiếc máy được treo trên cành. Kế bên có một cái bẫy phía trong đã đặt sẵn chim mồi.
Các cá thể chim bị bắt có thể thành món ăn, trở thành vật để phóng sinh hoặc trở thành vật nuôi. Tuy nhiên dù có trở thành gì đi nữa, nhưng khi bị giam cầm, thì trong sâu thẳm tiếng kêu của những chú chim trời chắc chắn sẽ không còn mang lại cảm giác bình yên.
Đánh bắt chim trời dễ dàng hơn nhờ công nghệ
Tại một tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh, dưới vòm lá xanh ngắt của những tán cây, tiếng chim vang lên hối hả từ một chiếc máy được treo trên cành. Kế bên có một cái bẫy phía trong đã đặt sẵn chim mồi. Khi chim nơi khác nghe tiếng kêu liền bay tới, nhìn thấy chim mồi chú chim trời liền sa vào và dính bẫy. Người bẫy chim xuất hiện bắt lấy chú chim tội nghiệp rồi tiếp tục đặt bẫy vào vị trí cũ.
Còn trên con đường nông thôn thuộc tỉnh Bình Dương, giữa trưa nắng, tiếng chim kêu ra rả lại phát ra từ chiếc máy treo ở một cây cột, ngay cạnh đó là một đoạn kim loại gắn vào thân cột làm thành một cành ngang. Cành ngang này được bôi một lớp keo. Khi tiếng kêu từ máy phát ra, chim nghe thấy bay tới đậu lên cành ngang và bị dính chặt vào đó. Với cách này, người bẫy mỗi lần có thể bắt được hàng chục con chim.
Khi chim bố mẹ không còn, khả năng chim non không thể sống là rất cao.
Ở Đồng Nai, trên một ruộng lúa vừa gặt, tiếng chim kêu liên tục như thúc giục làm xao động cả không gian yên tĩnh của cánh đồng chiều. Tiếng kêu mô phỏng tiếng chim yến, không phát ra từ những chú chim mà từ một chiếc máy. Âm thanh này phát ra do một người đang kiểm tra lại dụng cụ để chuẩn bị cho chuyến “ra quân” săn chim sắp tới.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cách bắt chim bằng lưới. Anh Đ.T., một người từng được chứng kiến cuộc săn kể, thường sát bên máy phát tiếng kêu là một tấm lưới cao, dài vài chục mét. Tấm lưới này làm bằng nilon, sợi mảnh nhìn rất khó thấy (còn được gọi là lưới tàng hình), lưới được kéo ngang qua cánh đồng vừa thu hoạch, hai đầu buộc vào hai cột tre dựng đứng tạo thành bức tường dài tít tắp. Khi tiếng kêu phát được một lúc thì những con chim ở gần đó sẽ bay đến. Chỉ cần một con sa lưới kêu cứu thì hàng chục con khác cũng lao vào và không thể thoát ra.
Nỗi lòng người nuôi chim yến
Anh N.T.P. một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi cũng như thiết kế nhà nuôi chim yến ở Tiền Giang cho biết: “Gần đây số lượng chim yến giảm hẳn, có những nhà yến lâu năm hiện nay bị giảm hơn 50% số chim. Nguyên nhân là do chim yến khi rời tổ đi tìm thức ăn đã bị đánh bắt. Chim yến khi bay đi tìm mồi sẽ đi cả đôi, và thường cũng bị bắt cả đôi. Do vậy chim non ở tổ sẽ chết vì không có sự chăm sóc của chim bố mẹ”.
Một người nuôi chim yến tên T chia sẻ thêm, gần đây thu nhập từ nhà yến giảm đáng kể do chim yến bị đánh bắt để làm thịt, hoặc phóng sinh. Điều này khiến người xây nhà nuôi yến thiệt hại vô cùng lớn. Chim bố mẹ bị bắt thì chết, chim non ở tổ cũng sẽ chết vì không có thức ăn, còn chim thoát được thì hoảng sợ nên cũng bay mất. Nếu cứ tiếp tục như vầy, ông sợ nghề nuôi chim yến sẽ bị mai một.
Để đánh bắt chim trời có thể sử dụng nhiều cách, áp dụng cho nhiều loại chim khác nhau như: yến, se sẻ, cò, quốc… tuy nhiên, dụng cụ không thể thiếu đó là thiết bị phát ra tiếng kêu để dẫn dụ. Chỉ cần dạo một vòng trên các trang mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nơi bán của rất nhiều loại bẫy cũng như các thiết bị phát âm thanh từng loại tiếng chim.
Anh T.T. một người có nhà yến ở Đồng Nai trao đổi với phóng viên, anh mong có biện pháp nào đó quản lý chặt hơn, kỹ hơn các cơ sở kinh doanh mặt hàng chuyên đánh bắt chim. Với việc buôn bán tràn lan, cách thực hiện đơn giản, có chỗ còn làm clip hướng dẫn kỹ thuật đã khiến nhiều người chọn bẫy chim là nghề tay trái. Hiện anh rất lo lắng cho việc nuôi yến của mình. Cứ đà này, chim yến nói riêng, các loài chim khác nói chung không thể nào sinh sản kịp.
Có thể dễ dàng trở thành “thợ săn”
Kiếm trên mạng với cụm từ “lưới bẫy chim tàng hình” phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tìm thấy rất nhiều thông tin đăng bán các loại lưới cũng như bẫy, kèm theo đó là các hình ảnh sống động thể hiện chim đang sa lưới. Giá bán cũng cao thấp khác nhau tùy theo đặc điểm của từng loại thiết bị dụng cụ như: lưới bẫy chim tàng hình Thái giá từ 88 ngàn đồng đến hơn 220 ngàn đồng; lưới tàng hình tổng hợp giá khoảng 150 ngàn đồng…
Với sự trợ giúp của các dụng cụ, thiết bị đánh bắt công nghệ, ai cũng có thể trở thành "thợ săn".
Lần theo thông tin của một cơ sở sản xuất lưới bẫy chim yến, phóng viên được một người phụ nữ tư vấn lưới bẫy được hầu hết các loại chim, cách sử dụng dễ dàng, ai cũng làm được. Một tấm lưới dài 60 mét có giá 255 ngàn đồng. Chỗ người này cũng có bán thiết bị phát tiếng chim kêu. Chỉ cần nhắn địa chỉ, hàng sẽ được gửi đến tận nơi.
Tiếng chim trời gọi đàn, tiếng chim gọi bạn tình, hay đơn giản chim cất tiếng kêu, tiếng hót để khoe giọng thường kéo theo sự hưởng ứng của những con chim khác. Chúng cùng cất tiếng để kết bạn, để tranh lãnh thổ hay cùng nhau di trú… Tất cả âm thanh, hình ảnh đó tạo nên một bức tranh đầy màu sắc khiến ai từng chứng kiến sẽ cảm nhận được sự sống động nhưng bình yên của thiên nhiên.
Hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực của các dụng cụ đánh bắt cũng như công nghệ mới, bất cứ ai khi có nhu cầu cũng có thể trở thành những “thợ săn” chuyên nghiệp. Chính vì vậy những nơi đúng theo nghĩa đen của câu “Đất lành chim đậu” (ý muốn chỉ về vùng đất bình yên, nơi có nhiều thức ăn, các sinh vật không bị săn bắt, giết hại, nơi chim chóc kéo về làm tổ) đang ngày càng bị thu hẹp. Việc đánh bắt vô tội vạ làm cho số lượng chim ngoài thiên nhiên sụt giảm, không những ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, mà còn ảnh hưởng đến số lượng thiên địch, những loài bảo vệ mùa màng một cách tự nhiên.
Từ thành thị đến nông thôn, từ cánh đồng đến khu dân cư, ở đâu người ta cũng có thể đánh bắt chim. Những nơi đặt các thiết bị công nghệ phát ra tiếng chim kêu thường kế bên luôn có những chiếc bẫy mang đến sự chết chóc. Điều này khiến cho những vùng đất kia không còn “lành” với loài chim nữa, nó biến thành nơi khiến chim trời không còn được bình yên.
Đức Nghĩa - Huỳnh Phúc - Pháp luật Plus