Những phiên chợ một năm chỉ mở một lần của người Việt

13/02/2021 10:53

Kinhte&Xahoi Khác với thông thường, tại những phiên chợ này, người bán và người mua không quan trọng việc ít nhiều, đắt rẻ mà chỉ mong lấy lộc đầu năm.

Dưới đây là 5 phiên chợ độc lạ nhất Việt Nam vào dịp mỗi đầu năm mới. 

Chợ Gò (Bình Định): Mùng 1 Tết

Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn cùng ý nghĩa của lễ hội dân gian được đích thân vua Quang Trung khai mạc, cứ đến mùng 1 Tết Nguyên đán hàng năm, người dân thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lại tổ chức phiên chợ Gò đặc biệt.

Chợ Gò họp ngày mùng 1 Tết. (Ảnh: Người lao động)

Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân các vùng phụ cận mang đến chợ những sản vật địa phương như gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu. Người bán bán hàng để lấy lộc đầu năm, còn người mua mua hàng cũng vì muốn “mua” lộc đầu năm.

Theo tục lệ, khách thường mua 12 lá trầu để tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cùng 2 trái cau chín đỏ, một ít vôi và một chùm sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của gia đình trong năm mới.

Điều đặc biệt ở chợ Gò là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả, thể hiện ý nghĩa hai bên đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm.

Chợ Đình Cả (Hải Dương): Mùng 2 Tết

Vào sáng mùng 2 Tết hàng năm, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra phiên chợ đặc biệt họp một năm duy nhất một lần trước khu vực Đình Cả. Chợ Đình Cả thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã tham gia.

Chợ Đình Cả họp một lần trong năm. (Ảnh: Giadinhnet)

Dọc tuyến đường dẫn vào Đình có hàng trăm người bán đủ loại mặt hàng, từ thực phẩm thịt cá, rau xanh, hoa quả, bún, bánh... đến những quầy hàng đồ chơi, giải trí. Người bán đều ngồi ngay ven đường, thuận tiện cho khách mua sắm.

Điều lạ là tại phiên chợ duy nhất này, chính quyền địa phương không đứng ra tổ chức họp chợ, không thu phí chợ, không thu vé xe. Người bán, người mua, người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất là một món đồ nhỏ.

Chợ Bích La (Quảng Trị): Mùng 2 Tết

Chợ đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được xem là phiên chợ đặc biệt, bởi chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm. Từ tối mùng 2 Tết Nguyên đán, chợ đình Bích La tập trung rất đông người đến tham dự, phiên chợ sẽ diễn ra đến sáng mùng 3 Tết.

Chợ Bích La họp từ tối mùng 2 Tết. (Ảnh: Baodautu) 

Tại chợ, nhân dân trong làng Bích La mang những sản vật do chính người dân làm ra từ đồng đất quê hương để bày bán. Ai đến chợ cũng cố gắng mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn. Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá.

Ngoài ra, trong phiên chợ còn có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán, đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng cho người viết thư pháp bằng những bao mừng tuổi.

Chợ Chuộng (Thanh Hóa): Mùng 6 Tết

Mỗi năm, chợ Chuộng (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chỉ họp duy nhất một phiên vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán.

Tại chợ Chuộng, nhiều mặt hàng được các tiểu thương mang đến bày bán như: rau xanh, hoa quả, đồ ăn dân dã (bánh đa đỏ)...
Cà chua là mặt hàng không thể thiếu tại chợ Chuộng. (Ảnh: Người lao động)

Đặc biệt, cà chua là mặt hàng không thể thiếu được bày bán ở khắp mọi nơi trong chợ. Bởi tại chợ Chuộng, ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc, nhiều tài.

Chợ Viềng (Nam Định): Mùng 7 và mùng 8 Tết

Xưa nay, chợ Viềng (Nam Định) nổi tiếng là chợ cầu may đặc biệt. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một lần và họp vào lúc nửa đêm. Theo đó, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch, Chợ Viềng lại được họp tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực và xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Chợ Viềng bán nhiều cây cảnh. (Ảnh: Lao động)

Chợ Viềng bán nhiều mặt hàng từ cây cảnh, cây giống, đến các đồ nông cụ, sản xuất nông nghiệp như thúng, mủng, quang gánh, liềm, cuốc xẻng... Nhiều người cho rằng, mua những vật dụng này tại phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ.

Người mua cây cảnh tại chợ Viềng với ý nghĩa lấy lộc đầu năm, từ cây cảnh cho tới các cây ăn quả. Ngoài ra, chợ Viềng cũng bán thịt trâu, bò. Thịt bò là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh, nên mua thịt bò tại phiên chợ Viềng người mua cũng cảm thấy như xin được may mắn.

Bằng Lăng - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khát vọng hóa rồng

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ đặt ra đường hướng phát triển của Thủ đô đến năm 2025 mà còn mở ra tầm nhìn đến năm 2030, 2045. Trong đó, đến năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, với thu nhập bình quân đầu người đạt 36.000 USD/năm. Có thể nói, đó là “Khát vọng hóa rồng”, đòi hỏi sự quyết tâm và những nỗ lực mới trong khoảng 2 thập kỷ tới.

Xuất khẩu nông sản - bản lĩnh vươn lên

Năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh: Bão chồng lên bão, miền Trung “oằn mình” vì mưa lũ, rồi bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa qua, dịch Covid-19 đã tới… Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nhìn vào con số 41,2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt được. Đây là kết quả thành công từ những nỗ lực không ngừng của ngành Nông nghiệp, đồng thời cũng khẳng định: Nông nghiệp nước nhà luôn thể hiện được bản lĩnh là một trụ đỡ vững chắc cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội…

Link bài gốc https://vtc.vn/nhung-phien-cho-mot-nam-chi-mo-mot-lan-cua-nguoi-viet-ar594507.html