Những sinh viên “sống đẹp” không chỉ trong đại dịch

10/01/2022 07:02

Kinhte&Xahoi Năm 2021 khép lại với những hình ảnh hết mình vì cộng đồng trong tâm dịch của không chỉ các bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu… mà có hình ảnh của những sinh viên trẻ đã không quản vất vả ngày đêm chung sức chống dịch…

Huỳnh Quang Phú, Trường ĐH Bách khoa TP HCM trong lúc làm tình nguyện viên hỗ trợ F0.

Tình nguyện ở lại hỗ trợ chăm sóc F0 sau khi ra viện

Huỳnh Quang Phú (SN 1999, Trường ĐH Bách khoa TP HCM) đã cùng với 6 F0 đã khỏi bệnh khác tình nguyện phục vụ đưa cơm, nước, đồ dùng cho 265 F0 thuộc phường 6 và phường 7 cách ly tạm thời tại Khu cách ly F0 Nguyễn Tri Phương - Dương Minh Châu, phường 6, quận 10, TP HCM.

Phú là sinh viên K12, chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, trú tại KTX Bách khoa. Đêm 7/8, em bắt đầu lên cơn sốt đầu tiên, vị giác dần mất và các cơn ho bắt đầu nhiều hơn. Ngày 9/8, Phú test nhanh cho dương tính sang khu khác cách ly. Đến 11/8 Phú đi cách ly tập trung khi đã được mọi người gửi cho các vật dụng cá nhân và các loại thuốc ho, chống viêm, hạ sốt, nước muối và vitamin C…

Hai tuần ở khu cách ly, Phú vui mừng khi được y tế báo tin em đã âm tính và sắp được trở về lại KTX khi may mắn không có triệu chứng nặng. Phú kể: “Để chiến thắng COVID-19, ngoài trang bị kiến thức về căn bệnh, còn phải giữ tinh thần lạc quan. Mỗi ngày, em luôn tạo cho mình những niềm vui nhỏ nhờ những cuộc gọi, tin nhắn với gia đình, thầy cô, bạn bè và đặc biệt gặp được 2 anh tình nguyện viên cũng là sinh viên của trường. Đây cũng là động lực để em tham gia tình nguyện sau này”.

Nghe lời kêu gọi F0 hết bệnh đến hỗ trợ của chính quyền phường 7, quận 10, Phú đã đăng ký tham gia và được phân công đến khu cách ly ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương với công việc nhập liệu, hỗ trợ các tình nguyện viên, bác sĩ quân y,... sẵn sàng giúp đỡ bà con trong khu cách ly.

Với tinh thần cống hiến hết mình vì cộng đồng, Phú vinh dự là một trong những gương thanh niên được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TCPVN tổ chức.

Nữ sinh 20 tuổi và 5 tháng cam go trong tâm dịch

Sau hai đợt xuất quân hỗ trợ chống dịch và vận động mang về 1.370 đơn vị máu, Nguyễn Thị Khánh Huyền (SN 2001, sinh viên năm 3 chuyên ngành Điều dưỡng tại Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên) là cá nhân trẻ tuổi nhất nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021.

Không tiếp xúc trực tiếp nhưng được chứng kiến những bệnh nhân cần máu đang từng giây phút chiến đấu với bệnh tật, cô gái 20 tuổi hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt máu nhân ái, chúng có thể cứu sống rất nhiều mạng người.

Nguyễn Khánh Huyền - ĐH Y Thái Nguyên trong tâm dịch tại Đồng Nai.

“Trong dịch bệnh, làm sao để vận động được nhiều người tham gia mà vẫn đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên và người hiến máu là vấn đề “cân não”. Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, mọi người đều rất sợ đến bệnh viện, nơi đông người và nguy cơ lây nhiễm khá cao khiến công tác tuyên truyền và vận động hiến máu khó khăn hơn rất nhiều”, Huyền chia sẻ.

Là sinh viên ngành y, Huyền không nề hà khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào để góp sức cùng cộng đồng, xã hội đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. “Ngày viết đơn tình nguyện lên đường chống dịch, bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều. Từ trước đến nay chưa bao giờ phải xa nhà thời gian dài như vậy, làm những công việc mà trước đây mình chưa từng làm, ở trong một môi trường khó khăn, nguy hiểm. Trải qua 5 tháng chống dịch, bố mẹ tôi đã thấy được con gái trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều” - Huyền cho biết.

Những ngày đầu chống dịch ở Bắc Ninh, Huyền đảm nhận công tác hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, nhận mẫu và thu gom mẫu xét nghiệm. Nhưng khi xông pha vào hỗ trợ miền Nam chống dịch, nhiệm vụ càng khó khăn, căng thẳng hơn. Ở Đồng Nai, đội tình nguyện viên của Huyền đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh Covid-19 tại khu cách ly, hướng dẫn điều trị, chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân F0.

Những ngày đầu tham gia chống dịch tại Đồng Nai, Huyền bỡ ngỡ và bất ngờ trước tình hình thực tế với thời tiết khắc nghiệt, cường độ làm việc cao cùng sự nguy hiểm. “Đặc biệt, khi biết mình tiếp xúc với nhiều F0 và người đồng đội cùng làm cũng đã nhiễm bệnh, tôi thật sự rất lo sợ. Sợ bản thân nhiễm bệnh, sợ ảnh hưởng đến lịch trình của cả đoàn. Thời điểm đó, tôi cũng không dám báo với bố mẹ mà chỉ chia sẻ với thầy cô, bạn bè rồi tự vực dậy tinh thần để tiếp tục làm nhiệm vụ tốt nhất” - Huyền chia sẻ.

Có thể nói, với những chàng trai, cô gái tuổi 20, họ đã sống hết mình với tuổi trẻ, với những nỗ lực không chỉ cho riêng mình. Trong những ngày tháng cam go, khốc liệt của đại dịch, họ đã đi qua những nỗi sợ hãi, hoang mang. Họ đã sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu, chỉ mong một ngày đẩy lùi dịch bệnh.

Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào quý I/2025

Thông báo số 6/TB-VPCP ngày 7/1/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nêu: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, đồng thời thực hiện giao ban hàng tháng để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-sinh-vien-song-dep-khong-chi-trong-dai-dich-d174461.html