Những thiên đường du lịch thời Covid-19

12/04/2020 10:09

Kinhte&Xahoi Trong khi nhiều người dân chấp hành tốt lời kêu gọi hoặc lệnh cách ly xã hội của chính quyền đất nước sở tại, có những địa điểm vẫn phớt lờ điều này. Những du khách không muốn ở nhà đã lựa chọn đặt an toàn của cả xã hội lên bàn cân.

Bãi biển Manly (Úc) đông nghịt người phớt lờ dịch bệnh

Bãi biển Sydney vẫn đông nghẹt người…

Tờ Daily Mail của Úc ghi nhận, sáng 5/4 hàng ngàn người tụ tập tại bãi biển Manly - một trong những địa điểm hút khách ở phía bắc Sydney, bang New South Wales (Úc). Cuối tuần, tiết thu khoảng 21 độ C, bầu trời trong xanh, đầy nắng và gió, nước biển trong vắt – tất cả là những yếu tố tuyệt vời cho một buổi bơi lội, chạy bộ hoặc đi dạo trên bãi biển. Rõ ràng, người dân và du khách vùng này đã không cưỡng nổi sự quyến rũ của một ngày đẹp trời để bước ra ngoài đường, bỏ qua mối đe dọa vi rút SARS-CoV-2. Thậm chí, có cả những nhóm gia đình đi cùng nhau, đứng kín tại một số khu vực bãi biển như tại vịnh Cabbage Tree. 

Đáng nói, tình trạng này đã kéo dài ít nhất khoảng 3 ngày. Ứớc tính có hàng nghìn người đã đổ về điểm đến này. Cảnh sát phải đứng tuần tra ở đường bở biển để ngăn công chúng tụ tập. Hội đồng quản lý các bãi biển phía bắc nước Úc cũng thông báo đóng cửa bãi tắm. Tuy nhiên, những động thái trên vẫn chưa đủ hiệu quả. Vẫn thấy tình trạng người dân tụ tập nhóm 2-3 người hoặc đông hơn, không hề có ý thức cách nhau từ 1,5m-2m. Sau nhiều động thái mạnh mẽ hơn, bãi biển mới được trả lại sự yên tĩnh. Sau khi bãi biển Manly bị đóng cửa, các bãi biển công cộng khác cũng bị đóng là Warriewood, North Steyne, Queenscliff, Freshwater và Palm Beach. Các nhà chức trách cảnh báo sẽ có thêm các bãi biển khác đóng cửa, nếu người dân không tuân thủ quy định. 

Tình trạng trên không chỉ gây phẫn nộ dư luận nước sở tại mà còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều đất nước, điểm đến khác. Từ khi đại dịch Covid-19 được WHO tuyên bố và nhiều nước trên thế giới cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp chống dịch bệnh, hàng ngàn, hàng triệu điểm đến, dịch vụ du lịch phải đóng cửa; tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với huỷ toàn bộ hoạt động du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà chức trách, những người làm du lịch đều đang “đau đầu” đưa ra các giải pháp để có thể phục hồi du lịch một cách nhanh nhất, sớm nhất. Bên cạnh đó, họ cũng đang hướng tới những biện pháp tình thế như tổ chức các lễ hội ảo, tham quan bảo tàng qua công nghệ thực tế ảo (VR).

Đây là tổn thất không chỉ với đất nước, với doanh nghiệp mà cũng là tổn thất với chính người dân – những du khách vẫn đang háo hức, chờ mong được đi du lịch, được tham quan, trải nghiệm, tiếp xúc với môi trường mới, con người mới. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi cộng đồng khoẻ mạnh, xã hội an toàn. Do đó, “những du khách không muốn ở nhà” ngày nay lại bị xã hội chỉ trích lên án, không phải bởi vì hành động đi du lịch là sai trái mà chính bởi thái độ thờ ơ với dịch bệnh và coi thường cảnh báo của chính phủ của những người này.

Đảo Jeju kiện hai du khách nhiễm Covid-19 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó hoạt động du lịch gần như đang “ngủ đông”. Trong một diễn biến đáng chú ý gần đây, chính quyền đảo Jeju – “hòn đảo tình yêu” từng thu hút  hàng triệu du khách, đã quyết định kiện hai phụ nữ đến thăm hòn đảo này mang theo mầm bệnh Covid-19. Việc biết mình có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng vẫn cố tình đi du lịch đã đe doạ sự an toàn sức khoẻ của cộng đồng người dân sống tại hòn đảo này.

Dân đảo Jeju phẫn nộ trước 2 du khách nhiễm Covid-19 vẫn cố tình du lịch 

Theo thông cáo báo chí từ văn phòng tỉnh Jeju, hai phụ nữ trên được xác định là hai mẹ con, bà mẹ (52 tuổi) và con gái (19 tuổi). Cụ thể, sau khi trở về Hàn Quốc từ  Boston (Mỹ), ngày 20/3 cô con gái cùng mẹ mình vẫn cố tình đến đảo Jeju từ nhà riêng ở Seoul, dù đã được khuyên nên tự cách ly khi về nước 5 ngày trước. Cô gái bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh vào 21/3, nhưng vẫn ở trên đảo thêm bốn ngày cùng mẹ, tiếp xúc với khoảng 47 người tại 20 địa điểm. Khi trở về nhà ở quận Gangnam của Seoul, hai mẹ con xét nghiệm tại một phòng khám công và kết quả đều dương tính với vi rút. 

Chính quyền tỉnh Jeju đã đệ đơn kiện hai người này lên Tòa án quận Jeju để đòi bồi thường 132 triệu won (khoảng 2,5 tỷ đồng) cho hành vi này. Ngoài chính quyền, các bên đâm đơn kiện còn có hai cư dân trên đảo phải cách ly vì tiếp xúc với người bệnh và hai doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Trong đơn khiếu nại, tỉnh Jeju viết rằng cô gái trẻ “đã không thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là một phần của cộng đồng”, nhấn mạnh rằng bà mẹ cũng có thể phạm tội vì đã “tích cực tham gia hoạt động bất hợp pháp của con gái, gồm cả cung cấp tiền cho việc đi lại”.

Những hành động cố tình phớt lờ dịch bệnh của những “du khách không muốn ở nhà” như thế này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Trong khi người dân chấp nhận ở nhà để các cơ quan chức năng, các y, bác sĩ và nhân viên y tế tại tiền tuyến chống dịch có thể thực hiện nhiệm vụ của mình và đẩy lùi dịch bệnh; chỉ cần số ít du khách thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm thôi cũng có thể khiến tình hình bệnh dịch phức tạp hơn nhiều lần, bởi phát sinh nhiều biến số mới. Khách quan mà nói, vấn đề ý thức du khách đã được đề cập từ trước đến nay chứ không phải kể từ khi bùng phát dịch bệnh mới được nhắc tới. Theo đó, du khách thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm, bất chấp nguy hiểm của bản thân và cộng đồng đều không được chào đón, dù trong bất cứ bối cảnh nào. Thống đốc tỉnh Jeju Won Hee-ryong tuyên bố: “Tôi hy vọng đây là lời cảnh báo mạnh mẽ về những hành động đe dọa nỗ lực của các nhân viên y tế, nhân viên phòng chống dịch bệnh và nhân dân chúng tôi trong cuộc chiến chống Covid-19”. 

Thị trấn Zahara hạnh phúc vì được …. ở nhà 

Thị trấn Zahara de la Sierra (Tây Ban Nha) từng được biết đến là một pháo đài chống lại quân xâm lược, nay đang làm nên điều bất ngờ với chính đất nước này và bạn bè quốc tế. Tính đến ngày 6/4, trên phạm vi toàn quốc Tây Ban Nha có hơn 130.000 ca lây nhiễm, 12.600 ca tử vong. Dù nằm trong ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, thị trấn này vẫn chưa ghi nhận bất kì ca nhiễm Covid-19 nào.

 Tại thị trấn Zahara người dân hạnh phúc vì được ở nhà

Từ ngày 14/3, ngay khi chính quyền Tây Ban Nha công bố tình trạng khẩn cấp, thị trưởng Santiago Galván của thị trấn Zahara de la Sierra đã ra quyết định chặn 4 trên 5 cửa ngõ ra vào của thị trấn và thực thi ngay lập tức. Là điểm đến du lịch nổi tiếng, trong những ngày đầu phong toả, rất nhiều du khách đến từ Pháp, Đức đã bị từ chối và buộc phải quay về. 

Chỉ có một lối duy nhất vào thị trấn và luôn có hai người đứng canh tại trạm kiểm soát. Người ra vào thị trấn đều được ghi nhận, được đo thân nhiệt. Còn các phương tiện ra vào thị trấn đều được phun thuốc khử trùng đến tận các bánh xe bởi những nhân viên mặc đồ bảo hộ kín mít. Thị trấn này đã được bảo vệ như một pháo đài quân sự, khi quyết định của thị trưởng Galván không khác gì quân lệnh đối với người dân sống tại đây. 

Vào mỗi 17h30 thứ hai và thứ năm hàng tuần, một nhóm gồm 10 người sẽ ra đường phố để phun thuốc khử trùng, làm sạch các con phố, quảng trường và bên ngoài các ngôi nhà. Đáng nói, chính những người dân cũng được kêu gọi, điều động tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh như trên. Hội đồng thị trấn đã sử dụng quỹ dự phòng của họ để trang trải chi phí điện, nước, thuế cho các doanh nghiệp địa phương đang trong tình trạng khó khăn do Covid-19.

Các giải pháp nhằm hạn chế số lượng người ra đường cũng được các doanh nghiệp địa phương đề xuất và áp dụng. Đơn cử có doanh nghiệp chỉ thuê 2 người chuyên đi giao hàng tạp hoá, thuốc men… đến từng nhà trong khoảng thời gian nhất định trong ngày. Hiệp hội Phụ nữ của thị trấn cũng hỗ trợ người già không thể tự nấu ăn bằng cách bố trí người mang thức ăn tới đặt trước cửa nhà của những người này. Thị trấn cũng chuẩn bị hai chiếc xe với âm nhạc và ánh sáng để những đứa trẻ trong thời gian tự cách ly ở nhà có thể ra ban công và giải trí. 

Gần một phần tư cư dân của Zahara trên 65 tuổi. Vị trí của thị trấn cũng “sát vách” nhiều ổ dịch tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những hành động quyết liệt mà thị trưởng đưa ra vẫn đang đạt hiệu quả cao và được đông đảo cộng đồng ủng hộ. Hiện tại đây là thị trấn hiếm hoi vẫn “an toàn” trong tâm dịch Tây Ban Nha. Quan trọng hơn hết, người dân xứ này cảm thấy được yên ổn, được bảo vệ và vẫn hạnh phúc vì những loại hình giải trí, phúc lợi mới của xã hội khi vẫn được ở nhà. Có lẽ không chỉ đơn thuần may mắn, mà chính sự gắn kết, đồng lòng của toàn bộ người dân ở Zahara đã làm nên điều kỳ diệu này.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quản lý thuốc lỏng lẻo, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 từng cấp thuốc hết hạn sử dụng cho bệnh nhân

Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện quy định về mua, bán và sử dụng thuốc Encorate 200mg của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, chỉ rõ sai phạm trong việc cấp thuốc đã hết hạn sử dụng cho bệnh nhân vào năm 2018.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-thien-duong-du-lich-thoi-covid-19-d121733.html