Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số ở Việt Nam hiện nay

03/12/2021 10:51

Kinhte&Xahoi Chất lượng dân số được đánh giá thông qua các nhóm chỉ tiêu về dân số, chỉ tiêu về đánh giá chất lượng con người, chỉ tiêu về môi trường kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện con người

Những khó khăn, thách thức

Trong thời gian vừa qua, mặc dù chất lượng dân số ở Việt Nam đã được nâng lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song chất lượng dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn:

Thể lực, tầm vóc, sức bền của con người Việt Nam chậm được cải thiện và còn yếu so với nhiều nước khác trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể.

Ảnh tư liệu

Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức nghiêm trọng. Số năm sống khoẻ mạnh của người Việt Nam thấp so với nhiều nước. Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người.

Lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả. Tốc độ già hóa dân số nhanh và chưa có hệ thống giải pháp phù hợp thích ứng với già hóa dân số. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế....

Chất lượng dân số về trí lực và năng lực còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp và cơ cấu lao động được đào tạo còn bất hợp lý. Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lực lượng lao động có trình độ cao còn nhiều hạn chế. Năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp của lực lượng lao động còn thấp. Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực còn hạn chế.

Những hạn chế về chất lượng dân số nêu trên đã trở thành những rào cản đối với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng dân số- đột phá chiến lược

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nâng cao chất lượng dân số là một trong các đột phá chiến lược và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, quán triệt định hướng nêu trên, trong thời gian tới, cần chú trọng, và tập trung hơn nữa vào các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số, cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chất lượng dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội nhất là ở các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách.

Nâng cao chất lượng dân số cần được nhận thức là nâng cao toàn diện cả về thể lực, trí lực và tâm lực của con người, phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục tâm hồn, đạo đức.

Ảnh tư liệu

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số và lồng ghép các biến dân số vào kế hoạch hoá phát triển. Bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chính sách dân số, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

Ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn, tình hình thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương.

Ba là phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bốn là, đổi mới truyền thông, vận động trong cộng đồng và giáo dục dân số trong nhà trường; Tập trung đẩy mạnh, tăng cường độ và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dân số và phát triển.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành các cấp. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản trong và ngoài nhà trường.

Năm là, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Cấu trúc giáo dục phổ thông cần thay đổi căn bản theo hướng rút gọn qui mô ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông theo lộ trình giảm dân số trong độ tuổi đi học, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Sáu là ưu tiên đào tạo nghề tại chỗ cho lực lượng lao động phổ thông để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho đại bộ phận lực lượng lao động; Cần tập trung đào tạo những kỹ năng, chuyên môn dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương thông qua các hình thức tự đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu.

Nhà nước, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cần tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, một phần kinh phí hoặc cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá để phát triển các hình thức cộng đồng dạy nghề.

Bảy là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Cập nhật, nâng cấp chương trình, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, phương pháp dạy và học trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng.

 Phương Thu - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6 - 6,5%

Sau 1,5 ngày diễn ra Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bế mạc. Các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Hội nghị với mục tiêu hướng đến điều chỉnh linh hoạt các giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh sau dịch bệnh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-dan-so-o-viet-nam-hien-nay-184635.html