Vốn điều lệ của Fe Credit gần bằng vốn điều lệ của 11 công ty tài chính còn lại thuộc VNBA.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức hội viên là công ty tài chính thuộc VNBA.
Tính đến nay, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đạt 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính, trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là Fe Credit .
Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên (ngoại trừ công ty tài chính Handico (HAFIC) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt và Công ty Tài chính Bưu điện PTFinance chưa cung cấp số liệu) tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020;
Đáng ngại, tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân lên tới 9-10% (tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6%) và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, mặc dù trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60 - 70% tổng tăng trưởng kinh tế, nhưng trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng.
Đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phân khúc khách hàng là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh, trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị và Quyết định của từng địa phương, nhiều khách hàng là F1, Fo hoặc trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định.
Trong khi đó, đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu...
Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.
Kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VNBA sẽ tập hợp các kiến nghị và có đề xuất các giải pháp phù hợp đối với các công ty tài chính tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh năm 2022. “Tất cả chung tay để làm tốt việc đẩy lùi tín dụng đen”- ông Hùng nhấn mạnh.
T. Lan - Pháp luật Plus