Nỗi lo an ninh nguồn nước

24/10/2019 16:07

Kinhte&Xahoi Sự cố nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà - nơi cấp 1/4 lượng nước cho thành phố Hà Nội - bị nhiễm dầu thải đã gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho đô thị.

Từ vụ dầu thải, lộ diện nhiều bất cập

Đến thời điểm này, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt được 3 nghi phạm liên quan vụ xả thải dầu bẩn vào đầu nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà. Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này.

Tuy nhiên, từ sau khi các đối tượng xả thải, hàng nghìn hộ dân các tòa nhà Sông Đà Thăng Long, dự án The Golden An Khánh, Đại lộ Thăng Long, các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai… trong vùng sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Sông Đà đã thật sự khốn đốn bởi sinh hoạt bị đảo lộn. Nước ô nhiễm, nước bị cắt để súc rửa…, người dân phải tích từng can nước, mua từng bình đóng chai, hoặc thậm chí phải lấy nước bể bơi về phục vụ cho sinh hoạt.

Ven bờ suối Khại, vết dầu thải bám vào khiến cỏ cháy xém.

Chưa hết, chỉ từ sau sự cố, người dân mới được thông tin: Nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà từ dòng suối Trâm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) và kênh dẫn từ hồ Đồng Bài (huyện Kỳ Sơn) được bơm trực tiếp vào bể lọc của Nhà máy nước Sông Đà trong thời gian dài không chỉ bị xả thải dầu bẩn, mà còn có nước thải của các trại gia súc, nước rửa trôi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả nước thải từ chính Nhà máy nước Sông Đà… Tất cả hầu như đều là các kênh nhỏ, hình thành tự nhiên, có chăng chỉ được che chắn thô sơ, dưới sự giám sát hời hợt.

Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà, Nguyễn Văn Tốn cũng thừa nhận là không dám chắc về lượng chất styren đậm đặc hòa tan trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân ra sao.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết, nguy cơ ô nhiễm của sông Đà rất nhiều, bởi có tàu thuyền chạy trên sông và hai bờ cũng có nhiều cơ sở sản xuất, sinh hoạt có xả thải ra sông. Nguyên lượng nước thải của các phương tiện vận tải đường thủy (có nhiễm dầu) theo yêu cầu là phải đưa lên bờ để xử lý tập trung nhưng vì chưa có trạm xử lý nước phục vụ cho các tàu thuyền này, nên đương nhiên tàu sẽ xả trực tiếp xuống sông. Trong trường hợp xảy ra các sự cố trên sông với các tàu bè, thì dầu từ tàu hoặc các chất độc trong hàng hóa vận tải trên tàu sẽ gây nên ô nhiễm nghiêm trọng cho nước sông - “đầu vào” của nhà máy xử lý nước.

Về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, Việt Nam quản lý nguồn nước theo quy chuẩn, trong đó nước sinh hoạt áp dụng quy chuẩn cao nhất là A1. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch mục đích sử dụng nước tại các lưu vực sông. Trong sự cố này, nếu không phải là dầu thải, mà là chất độc khác, thì hàng chục vạn người dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe ngay lập tức. “Nhiều nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đang dùng nước sông để sản xuất nước sinh hoạt. Vì vậy, cần xác định rõ các vùng nước cấp gồm đoạn sông suối nào để ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt và công bố để người dân biết”, ông Hoàng Dương Tùng nói.

Trong lúc nguy cơ của “đầu vào” luôn hiện hữu, thì công nghệ xử lý nước vẫn là điều đáng lo ngại. Từ vụ việc nhiễm dầu thải của nước sạch sông Đà, người dân giật mình: Sau khi chạy qua cả một hệ thống lọc của nhà máy, nước đến tay người tiêu dùng vẫn nồng nặc mùi và hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép. Đây là bằng chứng điển hình nhất về công nghệ xử lý nước lạc hậu, không đảm bảo an toàn.

Thêm vào đó, công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước từ cơ quan quản lý cũng bộc lộ những hạn chế. Ngành Y tế Hà Nội chỉ định kì thực hiện quan trắc, kiểm nghiệm chỉ tiêu nước thô (đầu vào) và nước sạch (đầu ra) 1 tháng/lần với chỉ tiêu A (nhà máy thực hiện nội kiểm 1 tuần/lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra 1 tháng/lần); 6 tháng/lần chỉ tiêu B và 2 năm/lần chỉ tiêu C. Trong khi đó, nguồn nước cung cấp đến người dân là liên tục, không ngừng nghỉ. Chỉ cần một cá nhân có hành vi xả thải như vụ vừa qua, hàng vạn người đã phải gánh chịu hậu quả.

Đó là chưa nói đến tình trạng vào những tháng cao điểm mùa khô, các nhà máy nước phải cắt nước luân phiên, hoặc cắt vì những sự cố như vỡ đường ống nước (xảy ra khá thường xuyên). Dân cư đô thị luôn phải phấp phỏng trong sự thiếu ổn định về khối lượng nước, nay càng lo lắng khi phát hiện chất lượng nước luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Vùng đệm cho sự an toàn

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn cho thấy, an ninh nước sạch ở Việt Nam rất dễ bị tấn công: “Các quốc gia khác đều kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn nước quan trọng, vì nguồn nước sinh hoạt từng là mục tiêu của các tổ chức khủng bố. Chỉ cần đầu độc nguồn nước là tấn công được người dân. Do đó, khu vực đầu nguồn nước quan trọng luôn phải có lực lượng bảo vệ, có hàng rào cách ly, hệ thống cảnh báo nhiều lớp để hạn chế các hoạt động của con người. Ngay khi chất lượng nước có vấn đề bất thường phải dừng cấp nước ngay”, ông Phùng Chí Sỹ nhận định.

Nhìn nhận từ vụ việc nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải tại Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khái quát: “Việc quản lý nguồn nước mặt phục vụ cung cấp sản xuất nước sạch ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, không xác định được cụ thể vùng nào là vùng cấp nước sạch. Các nước trên thế giới quản lý chặt vấn đề này, nhất là vùng cung cấp nước ăn phải có hệ thống quan trắc an toàn, ứng phó sự cố theo quy trình, còn các nhu cầu khác là thứ yếu”.

Vì vậy, TS Hoàng Dương Tùng đề xuất, Việt Nam cần triển khai ngay quy hoạch sử dụng nguồn nước, phân vùng cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu… Việc phân vùng này phải có sự đồng bộ, thống nhất của cơ quan quản lý địa phương và các bộ, ngành liên quan. Bởi theo Luật Tài nguyên nước, các địa phương quản lý sông, suối nội tỉnh, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sông suối liên tỉnh. Bên cạnh đó, các vùng được xác định là đầu nguồn nước cần tiến hành tổng rà soát các nguồn thải, nhà máy, trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất… có nước thải trực tiếp, gián tiếp, để có những biện pháp xử lý nghiêm vi phạm xả thải và công bố công khai cho người dân.

Đến nay, Hà Nội đã có công văn gửi tỉnh Hòa Bình, đề nghị địa phương chỉ đạo Công ty nước sạch Sông Đà và các sở, ngành liên quan của tỉnh khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Hà Nội cũng đang rà soát lại các nhà máy xử lý nước, nhất là xử lý nước mặt để khoanh vùng có biện pháp bảo vệ, trong đó yêu cầu các nhà máy nước có kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

Theo các chuyên gia về ngành nước, hiện chưa có công nghệ để xử lý, tách dầu với nước đã nhiễm dầu bẩn. Do đó, ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn. GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho rằng: Các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp... Khu vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Đơn vị sản xuất phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tại khu vực này để xử lý kịp thời các sự cố.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus