Ảnh minh họa

Hôm qua (1/12), Việt Nam công bố ca bệnh 1347 (nam, 32 tuổi) lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân 1342 trong thời gian người này cách ly tại nhà. Bệnh nhân 1342 là nam, 28 tuổi, tiếp viên hàng không. Ngày 14/11 vừa qua, bệnh nhân 1342 cùng phi hành đoàn đáp chuyến bay VN5310 chở khách từ Nhật Bản về Cần Thơ.

Từ ngày 15/11, toàn bộ tổ bay được đưa về cách ly tập trung tại cơ sở cách ly riêng của Vietnam Airlines tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM. Sau 2 lần xét nghiệm âm tính, từ ngày 18/11, người này được về nhà trọ tại số 50 Bạch Đằng, quận Tân Bình tự cách ly theo quy định.

Theo điều tra, ngày 17/11, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với một đồng nghiệp nam, 30 tuổi là tiếp viên trên chuyến bay từ Rumania trở về. Đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính, trong đó có 8 tiếp viên hàng không. Tiếp viên nam 30 tuổi nói trên cũng được công bố mắc Covid-19 vào ngày 25/11, trở thành bệnh nhân 1325. Bệnh nhân 1342 có kết quả dương tính vào ngày 28/11. Vì sao, lây nhiễm ra cộng đồng? Trong trường hợp này, chúng ta đã lỏng lẻo về cách ly. Khi trở về tự cách ly tại nhà, đáng ra phải đợi đủ 14 ngày, nhưng bệnh nhân 1342 không tuân thủ quy định, tiếp xúc với 3 người khác (bệnh nhân 1347, mẹ và em).

Trong dự thảo mới nhất được Bộ Y tế xây dựng về quy trình nhập cảnh, giám sát y tế với người nhập cảnh chia thành 3 nhóm để cách ly. Nhóm 1: Công dân Việt Nam, người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam; Nhóm 2: Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên; học sinh, sinh viên quốc tế; Nhóm 3: Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.

Các đối tượng khác do Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho phép. Các thành viên tổ bay được xếp vào “các đối tượng khác”, tuân thủ cách ly theo Văn bản 3588/CV-BCĐ ngày 2/7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Nguy cơ hiện hữu. Do vậy, nhiều nơi như ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh đã “siết lại” các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Nhiều tạp chí của Đức, Mỹ mới đây đã tiếp tục có những bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu “con người lên trên hết”, giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế. Tuy nhiên, một cá nhân khinh suất có thể tạo ra nguy cơ với cả cộng đồng. Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, được dự đoán có thể kéo dài hết năm 2021. Do vậy, không thể chủ quan.

 Từ Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus