Vụ xuân 2023, toàn thành phố Hà Nội tập trung gieo trồng trên 101.000ha cây trồng các loại, trong đó chủ lực là lúa với hơn 81.128ha. Ngay sau Tết Nguyên đán, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, tập trung xuống đồng sản xuất với tâm thế "nước đủ đến đâu, gieo cấy chăm sóc lúa xuân tốt ngay tới đó"...
Tại khu đồng Gióng, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng (huyện Mê Linh), HTX Green Farm Mê Linh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ; sử dụng giống lúa Japonica J02 trên diện tích 10ha.
Lãnh đạo huyện Mê Linh xuống đồng sản xuất cùng nông dân xã Tam Đồng
Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng hệ thống tự động có điều khiển từ xa (flycam); sử dụng máy móc vào gieo cấy và thu hoạch.
Mô hình trên hứa hẹn nâng cao giá thành sản phẩm, mở hướng làm giàu bền vững, từng bước giúp nông dân, hợp tác xã chuyển đổi từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Tại huyện Quốc Oai, đến ngày 8/2, toàn huyện đã có 3.190ha diện tích có nước, đạt 75% kế hoạch, làm đất được 2.200ha và cấy được hơn 1.000ha, đạt 26% kế hoạch. Huyện đã cấy xong diện tích lúa trà sớm ngoài đê chạy lũ tiểu mãn ở các xã: Cấn Hữu, Đông Yên, Tuyết Nghĩa và một số xã gieo trồng sớm như: Thạch Thán, Nghĩa Hương, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ.
Nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ Nhân dân gieo cấy, nhiều tổ chức thủy lợi của thành phố đã chủ động ứng phó thiếu hụt nguồn nước bằng các biện pháp lắp đặt trạm bơm dã chiến, điều tiết nước hồ thủy lợi, vận hành tối đa công trình khi mực nước sông đủ điều kiện…
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tính đến 14h ngày 8/2, các tổ chức thủy lợi thành phố đã cấp đủ nước cho 64.180ha, đạt 79% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân.
Trong đó, 5 quận, huyện cơ bản hoàn thành công tác lấy nước gieo cấy, gồm: Hà Đông, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức; 5 huyện, thị xã phụ thuộc nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện qua Trạm bơm Trung Hà và Phù Sa đã cấp đủ nước cho từ 52 đến 75% diện tích. Cụ thể, huyện Ba Vì đã cấp đủ nước cho 75% diện tích, huyện Thạch Thất 74%, thị xã Sơn Tây 70%, huyện Phúc Thọ 61%, huyện Quốc Oai 52%...
Gieo sạ lúa bằng máy tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Để hỗ trợ sản xuất cho nông dân, Sở đã chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật các địa phương hướng dẫn bà con thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc mạ như: Che phủ nilon đúng kỹ thuật, điều tiết nước, bón phân hợp lý, mật độ gieo… Cùng với đó, chủ động các phương án đối phó với thời tiết bất thuận có thể xảy ra như rét đậm, rét hại kéo dài.
Nhằm khuyến khích nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy cũng như chăm sóc lúa Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị các công ty thủy lợi và các địa phương vận hành tốt, cung cấp đầy đủ nước tưới dưỡng đảm bảo ngập chân mạ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện gieo cấy các giống lúa theo đúng cơ cấu giống của thành phố; Thực hiện gieo cấy lúa cùng trà trên cùng một xứ đồng để đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt là lưu ý các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh hại (ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ...) đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Đối với những địa phương có diện tích lúa gieo cấy thuộc trà lúa sớm, nông dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, theo dõi, chăm sóc lúa Xuân để kịp thời xử lý những phát sinh.
Thanh Tùng- TTTĐ