Nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội: Thiếu liên kết, khó phát triển

28/06/2021 09:40

Kinhte&Xahoi Là một trong những ngành hàng có sức tiêu thụ lớn, tiềm năng phát triển mạnh, tuy nhiên giá trị nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa đạt kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do liên kết chuỗi giá trị với sự tham gia của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Quy mô nhỏ, liên kết yếu

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, TP đã chuyển đổi được hơn 10.000ha đất ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản toàn TP hiện đạt khoảng 22.400ha.

Công nghệ ''sông trong ao'' được ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản tại huyện Ứng Hòa

Hiện, TP đã bước đầu hình thành được nhiều vùng NTTS tập trung, chủ yếu tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên. Phương thức NTTS đang từng bước dịch chuyển dần sang thâm canh, bán thâm canh.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, sản phẩm thủy sản của Hà Nội phần lớn được tiêu thụ dưới dạng tươi sống. Một số đơn vị đã từng bước mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để tổ chức các khâu sơ chế, chế biến thủy sản thành các sản phẩm phổ biến như: Chả cá, cá nước ngọt đông lạnh...

Mặc dù vậy, NTTS trên địa bàn TP nhìn chung còn phát triển khá tự phát. Tổng số hộ có NTTS toàn TP lên tới trên 25.800 hộ nhưng quy mô nhỏ lẻ, quy trình giản đơn. Việc áp dụng công nghệ trong NTTS còn kém đa dạng, phần nhiều mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước, kỹ thuật “sông trong ao”, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP… Đặc biệt, việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản trên địa bàn TP hiện còn rất hạn chế.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tổng diện tích mặt nước có khả năng NTTS của TP vào khoảng 30.840ha. Trong đó, diện tích ao, hồ nhỏ là 6.706ha; hồ chứa nước 4.327ha; ruộng trũng 19.807ha.

Không chỉ vậy, Hà Nội còn có hệ thống sông (Hồng, Tích, Bùi…) có khả năng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản lồng bè, đặc biệt là cá. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển lĩnh vực thủy sản trên địa bàn TP vẫn còn dư địa lớn.

Sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển lĩnh vực thủy sản tại Hà Nội còn rất mờ nhạt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị cho ngành hàng này, việc thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản là rất cần thiết. Nhưng thực tế cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hiện còn rất mờ nhạt.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn TP, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển NTTS chỉ đếm trên đầu ngón tay và với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, gần 30 hợp tác xã tham gia phát triển NTTS, nhưng tổng diện tích nuôi trồng cũng chỉ dừng ở khoảng 1.500ha.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật để cụ thể hóa những quy định và giải pháp nhằm khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản là rất cần thiết. Đơn cử như các quy định về sản xuất, yêu cầu bắt buộc giữa các tác nhân tham gia chuỗi; thông tin bắt buộc phải cung cấp đảm bảo truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng…

Để khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy phát triển lĩnh vực thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, rà soát, bố trí kinh phí để triển khai hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các dự án phát triển vùng NTTS đã được phê duyệt. Đẩy mạnh liên kết vùng giữa các tỉnh, TP lân cận nhằm tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, tạo tiền đề thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực NTTS…

Trọng Tùng - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nuoi-trong-thuy-san-tai-ha-noi-thieu-lien-ket-kho-phat-trien-425166.html