Ở nhà mùa dịch, có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội

11/08/2021 17:00

Kinhte&Xahoi Vài năm trở lại đây, mạng xã hội đã trở thành một món ăn tinh thần không thế thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Khi dịch bệnh đến, chúng ta phải ở nhà nhiều hơn, mạng xã hội cũng vì thế mà trở nên gần gũi và được sử dụng nhiều hơn.

Dù vậy, trong một môi trường “ảo” nhưng ảnh hưởng thì thật, mỗi người cần có trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội để có một không gian mạng an toàn, lành mạnh và nhiều điều tích cực.

Mạng xã hội - không gian đầy tiềm năng

Sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0 đưa mạng xã hội (MXH) ngày càng phát triển hơn. Hiện tại, trên thế giới đã có tới hàng trăm MXH khác nhau như Facebook, TikTok, Twitter, Pinterest, Zalo…

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, Facebook là MXH được ưa chuộng nhất với khoảng 70 triệu tài khoản, xếp thứ 7 toàn cầu. Ngày càng có nhiều người, nhất là người trẻ, người về hưu dành thời gian trên MXH, đến mức MXH đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều người.

Mạng xã hội là một môi trường đầy tiểm năng

Không thể phủ nhận, những lợi ích mà MXH mang lại là rất lớn. Thông qua MXH, chúng ta có thể dễ dàng giới thiệu bản thân mình với mọi người, qua đó, giúp người sử dụng tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của bản thân.

Bên cạnh đó, MXH là nơi chúng ta tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng giúp hoàn thiện bản thân. Đây còn là môi trường kinh doanh vô cùng lý tưởng để quảng cáo sản phẩm, giúp bạn có thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng với chi phí thấp hơn kinh doanh truyền thống rất nhiều…

Theo nhiều nghiên cứu còn cho thấy, nếu được sử dụng hợp lý, MXH còn giúp cải thiện não bộ và làm chậm quá trình lão hóa vì làm con người bớt cô đơn, não bộ sẽ càng được rèn luyện tốt hơn, nâng cao khả năng phán đoán, ra quyết định cho con người.

Hãy là nguời sử dụng thông minh và có trách nhiệm

 Sự tự do trên MXH làm người sử dụng dễ bị lãng phí thời gian, sa vào sống ảo, trầm cảm vì thiếu tương tác thật sự với bên ngoài. Không gian ẩn danh và ít rào cản của MXH còn là môi trường thuận lợi cho tội phạm, phát ngôn thù ghét. Không phải bỗng nhiên thời gian đầu Facebook buộc người dùng phải trên 18 tuổi mới được sử dụng tài khoản nhưng vì không quản lý được nên cuối cùng đành “thả nổi”.

Thời gian gần đây, MXH trở thành tâm điểm với nhiều sự việc như: diễn viên đóng vai nhân vật phản diện thành công trên phim truyền hình lại bị cả nghìn bình luận thóa mạ trên MXH. Nhiều người cố tình không phân biệt diễn xuất trên phim với đời thực, khi lên MXH chửi rủa thậm tệ, bôi nhọ, chà đạp diễn viên, thậm chí xúc phạm cả người thân, gia đình họ.

Hay mới đây nhất, việc những thầy giáo, cô giáo “tự xưng” xuất hiện với nhiều hành động và phát ngôn thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Đáng nói là với tâm lý đám đông, thói quen like (thích) dạo, share (chia sẻ) bừa bãi của một bộ phận cư dân mạng đã khiến những người này bỗng chốc trở nên nổi trên tiếng.

Cô giáo tự xưng Minh Thu trên livestream với những hành vi, cư xử thiếu chuẩn mực

Đặc biệt hơn cả, giữa thời điểm dịch bệnh đang hết sức căng thẳng, một vài cá nhân đã có những phát ngôn hay bày tỏ các quan điểm trên mạng xã hội với những thông tin không không chính xác, thiếu kiểm chứng đã làm tâm lý người dân lo sợ, hoang mang, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Một tài khoản Facebook bị xử phạt về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang tới cộng đồng

MXH là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng cho nên đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của MXH lên bản thân. Vì vậy, người dùng MXH, đặc biệt là những người trẻ phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trên MXH có thể chia ra ba nhóm người sử dụng: nhóm có ý thức tốt, có bản lĩnh cung cấp, tiếp nhận, xử lý, lan tỏa thông tin một cách văn hóa vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen vì những động cơ xấu, lợi ích cá nhân; và nhóm a dua, dễ bị tác động, lôi kéo, hùa theo những thông tin giật gân, thiếu cơ sở.

Chuyên gia nghiên cứu tâm lý học và hành vi Phạm Hùng Dũng cho rằng: “Khi tham gia cộng đồng mạng, mỗi cá nhân phải chủ động đặt vấn đề văn hóa ứng xử của người sử dụng lên hàng đầu, phải biết “suy nghĩ trước khi chia sẻ”. Chủ tài khoản cần có ý thức tuyệt đối để không biến MXH trở thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác”.

Hãy sử dụng mạng xã hội một cách đầy an toàn, hiệu quả và trách nhiệm

Người sử dụng MXH nên nắm rõ và thực hiện đúng những quy tắc như: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên MXH là sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên MXH; không nên đề cập hay bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị, đặc biệt trong bối cảnh không gian mạng có nhiều vấn đề phức tạp… thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ MXH.

“Bản thân người dùng MXH phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin trên mạng, để tránh mắc lừa, hay bị kích động, hoang mang vô cớ. Chỉ có thể tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn trên MXH nếu mỗi người tham gia tự hình thành các thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị, chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật”, chuyên gia cho biết thêm.

 Thành Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gần 200 y bác sĩ của 11 đoàn y tế tiếp tục vào Nam chống dịch

Sáng nay (11/8), gần 200 y bác sĩ thuộc 11 đoàn y tế của các tỉnh, thành phố phía bắc đã có mặt trên chuyến bay VN7229 từ Hà Nội đến TP HCM để tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam. Đây là chuyến bay duy nhất trong nhiều ngày qua từ Hà Nội vào TP HCM và là chuyến bay có số lượng đoàn y tế nhiều nhất từ trước đến nay.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/o-nha-mua-dich-co-trach-nhiem-khi-su-dung-mang-xa-hoi-173339.html