Ông chủ Alibaba sai phạm thế nào để vào vòng lao lý?

19/09/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Rao bán vô số các “dự án ma” tại nhiều địa phương, kêu gọi khách hàng đầu tư khi chưa được chính quyền cấp phép... đó chính là những sai phạm khiến ông chủ của Alibaba bị bắt khẩn cấp.

 

Theo Công an TP.HCM, căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát Kinh tế và Kết quả điều tra, cùng tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh -Tổng giám đốc Công ty Alibaba - về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

VTC đưa tin: Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Alibaba đã rao bán vô số các “dự án ma” tại nhiều địa phương, kêu gọi khách hàng đầu tư khi chưa được chính quyền cấp phép. Trong đó sai phạm nghiêm trọng nhất là ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù cho đến nay cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn chưa cấp phép cho bất cứ dự án khu dân cư nào của Alibaba nhưng công ty này vẫn rao bán rầm rộ trên mạng. Mới nhất là dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, được quảng cáo là “Một siêu dự án mang đẳng cấp Nhật Bản”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ: Huyện chưa cấp phép dự án KDC nào cho công ty này.

Tiếp đến, tại huyện Long Thành (Đồng Nai), nơi có dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Alibaba đang rao bán hàng loạt dự án khu dân cư: Alibaba Long Thành, Alibaba An Phước, Alibaba Long Phước, Alibaba Bàu Cạn… Trong khi đó, lãnh đạo huyện này khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ dự án nào của Alibaba.

Theo thống kê mới nhất của Đồng Nai, Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án.

Đối với dự án ảo mới nhất tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), lãnh đạo UBND huyện cũng quả quyết là không có dự án nào của Công ty Alibaba được phê duyệt. Khi phát hiện công ty này đang rao bán đất nền tại xã Xuân Lộc, UBND huyện đã cho lực lượng tháo dỡ tất cả biển quảng cáo và tường bao xung quanh khu đất, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phải tăng cường quản lý, không để tái diễn tình trạng rao bán đất nền trái phép.

Theo báo Thời đại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu 29 dự án liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh này.

Theo Bộ Công an, qua xác minh, hiện trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) có 27 dự án liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba gồm: xã Phước Bình (3 dự án), xã An Phước (1 dự án), xã Long Phước (21) dự án, xã Phước Thái (1 dự án), xã Bàu Cạn, Tân Hiệp (1 dự án).

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã làm việc với ông Nguyễn Thái Luyện để làm rõ việc ông này có chỉ đạo nhân viên của mình gây rối, chống đối đoàn cưỡng chế của UBND xã Tóc Tiên (Thị xã Phú Mỹ) làm nhiệm vụ cưỡng chế tại "dự án ma" Alibaba Tân Thành Center 5.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc “chốt” hạn về đích đường sắt Cát Linh - Hà Đông!

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tham tán công sứ thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc đã họp kiểm điểm tình hình Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) 2 tuần/lần. 2 bên đã yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.

Nguồn: Pháp luật Plus