P. Định Công 'vô tư' xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau Tết nguyên đán

20/02/2019 12:30

Kinhte&Xahoi Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Định Công đã diễn ra trong thời gian dài, đặc biệt là dịp trước và sau tết nguyên đán nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.

Cụ thể, trên địa bàn phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang rất "nóng" khi giữa “thanh thiên bạch nhật” không ít các công trình là nhà kiên cố từ 2 - 3 tầng được xây dựng trên đất nông nghiệp. Đặc biệt sau dịp tết nguyên đán, nhiều công trình được mọc lên, với chiều cao từ 2 đến 4 tầng mà không hề có bất kỳ biện pháp xử lý nào.

Nhiều ngôi nhà kiên cố với chiều cao từ 3-4 tầng đua nhau mọc trên đất nông nghiệp tại phường Định Công.

Tại khu vực đường Trần Điền, hàng loạt nhà cửa, xưởng sản xuất, cửa hàng ăn uống, quán karaoke… mọc trái phép trên đất nông nghiệp. Nhiều thửa đất nông nghiệp được phân lô để bán. Những ngôi nhà khang trang ngang nhiên được xây dựng kiên cố nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cụ thể, tại địa chỉ ngõ 202 Trần Điền, nhiều công trình đã được xây chui lên đến 4 tầng, không những thế nhiều thửa đất khác cũng đang được bọc tôn đổ nền kín mít “chờ dịp lên tầng”.


Nhiều thửa đất khác tại ngõ 202 Trần Điền được quây tôn chuẩn bị đổ nền, lên tầng.

Không chỉ dừng lại ở đó tại số 60 Trần Điền, công trình này cũng đang được cải tạo và cơi nới thêm tầng, mặc dù công trình này cách UBND phường Định Công chưa đến 200m.

Công trình tại số 60 Trần Điền đang được cải tạo và cơi nới thêm tầng.

Tại số nhà 66 ngách 1 ngõ 36 Trần Điền, công trình số 66 cũng được chủ nhà bóc lớp tôn ngoài ra và xây dựng kiên cố với số tầng là 4 tầng.

Nhiều công trình được cơi nới lên thành 4 tầng.

Nhà số 66 tại ngách 1 ngõ 36 Trần Điền được xây lên 4 tầng.

Tại ngõ 192 Lê Trọng Tấn, nhiều công trình cũng được bóc tôn để hoàn thiện những ngôi nhà kiên cố.

Nhiều công trình tại Tại ngõ 192 Lê Trọng Tấn cũng được bóc tôn để hoàn thiện những ngôi nhà kiên cố.

Theo tìm hiểu được biết, giá bán đất ở đây giao động từ 7 - 8 triệu /m2. Đặc biệt thủ tục mua bán đất vô cùng đơn giản chỉ cần viết tay trao đổi qua lại giữa người mua và người bán là đã có thể chính thức sở hữu một mảnh đất ưng ý mà không cần có sự công chứng của chính quyền địa phương.

Còn nếu muốn đất sang tay được xây luôn nhà ở hoặc nhà xưởng, người mua chỉ cần mất thêm một khoản để “làm luật” với chủ đầu tư hoặc trực tiếp với phường thì sẽ được giải quyết nhanh chóng, trong một khoảng thời gian ngắn là đã có nhà, có thể dọn vào ở bất cứ lúc nào.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao nhiêu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, lên đến 4 tầng mà các cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm?

Để thực hiện tốt chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, trên địa bàn các UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn TP Hà Nội, cũng như tránh gây bức xức kéo dài của người dân. Yêu cầu UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Định Công cần phải phải cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

UBND quận Hoàng Mai cần sớm vào cuộc làm rõ và xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn phường Định Công; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo HATAP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Sẽ không còn 'khoảng trống' trong sách giáo khoa mới?

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố vào cuối năm 2018, môn Lịch sử sẽ được thiết kế lại với nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Theo đó, Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979) sẽ được đưa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) mới một cách đầy đủ hơn…