PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hà Nội thận trọng nới lỏng từng bước được cho là cần thiết

19/09/2021 19:41

Kinhte&Xahoi Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng nếu làm không tốt, mọi người không đồng lòng thì dịch có thể bùng phát khó lường trước được hậu quả.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để được giải đáp rõ hơn về tình hình dịch Covid-19, các biện pháp cần thực hiện khi người dân trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

PV: Việc Hà Nội vẫn xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng, mới đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây tại quận Long Biên, theo ông có đáng lo ngại không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội theo tôi vẫn đang trong tầm kiểm soát. Còn việc trên địa bàn Thành phố vẫn xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng thì tôi không quá ngạc nhiên. Như các dự báo của các nhà khoa học trước đó, vi rút SARS-CoV-2 đã len lỏi trong cộng đồng. Do đó, chuyện bùng phát các chùm ca bệnh tại một nơi nào đó trong cộng đồng là chuyện tất yếu.

Tuy nhiên, hiện nay tại Hà Nội, số người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tương đối lớn. Cụ thể, đến nay Thành phố đã có trên 5,3 triệu người được tiêm vắc xin, số người tiêm chủng mũi 1 rất cao. Cho nên, theo đánh giá của tôi, việc bùng phát mạnh các đợt dịch Covid-19 lớn như ở phía Nam hiện nay là khó có thể xảy ra.

PV: Hiện nay, Hà Nội đã gần như hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân trên 18 tuổi. Ông có khuyến cáo gì với những người đã tiêm vắc xin trong việc chủ động phòng, chống dịch?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Theo nghiên cứu, kháng thể sau khi tiêm vắc xin có thể giúp một người có được hệ miễn dịch với vi rút tốt hơn nhiều lần so với một người bình thường không tiêm. Do vậy, việc Thành phố “thần tốc” triển khai tiêm chủng vắc xin cho người dân trên 18 tuổi trên địa bàn là một trong những chiến lược quan trọng.

Các loại vắc xin Covid-19 hiện nay được tiêm chủng tại Việt Nam đều có hiệu quả bảo vệ con người không bị nhiễm Covid-19, hoặc có nhiễm thì bệnh cũng nhẹ hơn và tỉ lệ tử vong thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là vắc xin hoàn toàn bảo vệ được 100%. Đặc biệt là đối với người mới được tiêm 1 mũi vắc xin, vẫn có xác suất nhiễm Covid-19 rất cao, vẫn có thể bị bệnh nặng và vẫn có thể tử vong.

Những người đã tiêm vắc xin mà bị nhiễm Covid-19 người ta gọi là nhiễm vi rút đột phá vắc xin. Ở những người cao tuổi, những người có bệnh nền, miễn dịch yếu thì cũng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến trường hợp nặng nề, hoặc tử vong. Chính vì vậy, tất cả những người đã được tiêm vắc xin dù 1 mũi hay 2 mũi đều phải cảnh giác với tình trạng bệnh tật. Đặc biệt, họ phải thực hiện nghiêm chỉnh 5K, vừa bảo vệ cho mình khỏi nhiễm SARS-CoV-2 đột phá, vừa bảo vệ những người khác trong cộng đồng.

Hiện nay, tại Hà Nội, mặc dù vắc xin đã bao phủ số lượng lớn, tuy nhiên, còn rất nhiều người chưa được tiêm. Ví dụ như trẻ em, một số người không thể tiêm được, những người mới được tiêm, còn phần trăm nào đấy chưa được bảo vệ. Cho nên, dù đã được tiêm 1 mũi, hay 2 mũi thì người dân cũng nên tiếp tục thực hiện 5K, nhất là trong thời điểm Thành phố đang dần nới lỏng một số hoạt động.

PV: Vậy người tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sau bao lâu thì bắt đầu được bảo vệ, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Số liệu được nghiên cứu cho thấy, người tiêm vắc xin mũi thứ nhất sau 14 ngày mới có hiệu lực bảo vệ 40-50% thôi. Và sau khi tiêm mũi thứ 2 được 14 ngày thì hiệu lực bảo vệ của vắc xin sẽ được nâng lên tối đa. Do vậy, chúng ta muốn bảo vệ được tốt nhất phải tiêm đủ 2 mũi và thời gian được bảo vệ tốt nhất là sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm được 14 ngày.

Nhưng ngay cả khi được tiêm đủ liều thì cũng không thể bảo vệ 100% người tiêm. Do đó, để phòng lây nhiễm, kiểm soát dịch, mỗi người cần tuyệt đối không chủ quan. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay cần thực hiện nghiêm giãn cách, không để lây lan, vì có thể sau khi tiêm vắc xin dễ có tâm lý chủ quan.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp phòng, chống dịch Hà Nội đang thực hiện?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay, Hà Nội đang thận trọng nới lỏng từng bước và tôi cho đấy là phù hợp. Bởi vì tất cả công tác phòng, chống dịch, những hoạt động giãn cách hay là phong tỏa, nới lỏng giãn cách, bỏ phong tỏa... thì có thể thấy là những hoạt động lần đầu tiên chúng ta thực hiện trong toàn bộ Thành phố.

Trong việc đưa Thành phố về trạng thái “bình thường mới”, chung sống an toàn với dịch bệnh thì tất cả những điều đó đều phải có kinh nghiệm. Cho nên chúng ta không thể một lúc bỏ giãn cách ngay mà chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đặc biệt có những bài học để chúng ta làm tốt hơn. Tôi tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm, những bài học đã trải qua, Hà Nội sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh.

PV: Vậy, ông có lưu ý gì nếu trong thời gian tới Thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tất nhiên, chuyện nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường, trong trạng thái mới. Và trong trạng thái vừa chống dịch nhưng vừa lao động sản xuất thì mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn. Trong đó, phải nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu chúng ta không thực hiện tốt 5K cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân, trong phòng, chống dịch thì dịch có thể vẫn sẽ bùng phát.

Nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, những nơi có người chưa được tiêm chủng, những nơi chúng ta đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch.

Đặc biệt, khi sau ngày 21/9 này, nếu Hà Nội nới thêm những giãn cách thì sẽ có nhiều người quay lại Hà Nội để làm việc, học tập. Trong đó, rất nhiều người có thể chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tất nhiên, việc này tùy thuộc vào kiểm soát của Thành phố và các biện pháp của Hà Nội đối với việc đi lại. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng, những người từ nơi khác đổ về có thể từ vùng có dịch, có thể có những người vẫn mang vi rút SARS-CoV-2 ...

Quan trọng là, chúng ta phải nhớ, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội thì nó sẽ bùng phát. Do vậy, tiêm vắc xin, thực hiện tốt 5K ở thời điểm này vẫn là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Tiến (thực hiện)-LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://laodongthudo.vn/pgsts-nguyen-huy-nga-ha-noi-than-trong-noi-long-tung-buoc-duoc-cho-la-can-thiet-130271.html