Phát hiện hơn 1.600 hộp kem đánh răng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu

25/06/2021 15:36

Kinhte&Xahoi Ngày 25/6, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội thông tin, vừa ngăn chặn kịp thời lượng lớn kem đánh răng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, sau khi QLTT Hà Nội nhận được văn bản số 102/HL của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh đề nghị kiểm tra và xử lý đơn vị đang trưng bày, bán sản phẩm “Kem đánh răng Dược liệu Ngọc Châu” có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, không phải là hàng chính hãng. 

Nhận được tin báo, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành giám sát, thẩm tra xác minh và phát hiện nhiều nhà thuốc bán lẻ và nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đang bán hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu.

 QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh kem đánh răng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu

Để đảm bảo ngăn chặn ngay hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh, người tiêu dùng cũng như sự nghiêm minh của pháp luật, chiều 24/6, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra Trung tâm dược phẩm Hapulico - số 1 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân) và một số nhà thuốc bán lẻ, cơ sở kinh doanh tại các quận huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Cầu Giấy và Hà Đông. 

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện tổng số 1.663 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu. Toàn bộ số hàng giả mạo đều được thể hiện số lô sản xuất là: 303 và phần đuôi tuýp dập sóng song song, hai bên đuôi tuýp không bo viền (để sắc cạnh). Chiều ngày 24/6, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh chính thức xác nhận, toàn bộ số hàng bị Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội thu giữ là hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu.

 Kem đánh răng Ngọc Châu giả mạo nhãn hiệu

Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa chia sẻ, số hàng giả được tiêu thụ thông qua kinh doanh truyền thống và online, trên sàn thương mại điện tử Lazada. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa của gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải dừng hoạt động sản xuất do không tiêu thụ được hàng hóa, trong đó có lý do hàng hóa bị làm giả. 

Đặc biệt, nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả của doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại nước ngoài, đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa làm ảnh hưởng đến chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 Lê Nam - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/phat-hien-hon-1600-hop-kem-danh-rang-gia-mao-nhan-hieu-ngoc-chau-424896.html