Phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

21/03/2023 19:52

Kinhte&Xahoi Sáng 21/3, thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Quang cảnh Hội thảo

Dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Về phía khách mời, dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tài sản vô giá để Thủ đô phát huy nguồn lực văn hóa

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bí thư Thành ủy điểm lại, hơn 1.000 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi sản sinh, tụ hội những anh hùng, hào kiệt của dân tộc.

Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại", thành phố kết nối toàn cầu.

Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú. Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”... thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”...

“Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong các cương lĩnh chính trị, các Nghị quyết của Đảng đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Đặc biệt đến Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá”.

Đây là những tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng, ngày càng khẳng định vững chắc vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển bền vững của nước ta.

“Chúng ta đều biết, văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Tiếp thu ý kiến đóng góp để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Bí thư Thành ủy cho biết, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17. Với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Năm 2022 vừa qua, Thành ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Trong đó, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"…

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy luôn được đổi mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với tinh thần quyết liệt, sâu sát từ Thành phố tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố và các địa phương, đơn vị.

Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô... Đồng thời, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội... Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thành phố cũng đang tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng khác, như: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2023); đề án khai thác nguồn lực từ tài sản công…

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng tham quan trưng bày trong khuôn khổ Hội thảo.

Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, Thành phố mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển, tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như đã được khẳng định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đặc biệt trong năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Nhấn mạnh Hội thảo nhận được sự hưởng ứng rất lớn, Bí thư Thành ủy bày tỏ mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của đại biểu, các nhà nghiên cứu. Qua đó, Thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.

Phương Ngân - Bùi Phương - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://laodongthudo.vn/phat-huy-gia-tri-va-nguon-luc-van-hoa-de-xay-dung-thu-do-van-hien-van-minh-hien-dai-153669.html