Phát huy thế mạnh văn hóa nông nghiệp, nông thôn

08/01/2025 09:27

Kinhte&Xahoi Tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, nông thôn chính là nền tảng, sức mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Thổi hồn vào các giá trị truyền thống

Dù đã ra mắt được hơn 4 tháng, song ca khúc “Rock hạt gạo” của nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi kết hợp cùng DTAP, một sản phẩm nằm trong album “Vũ trụ cò bay” vẫn gây sốt với công chúng bởi giai điệu đậm chất Nam Bộ kết hợp với phong cách rock đầy hiện đại, mới mẻ. Với giai điệu tươi vui, ca từ ý nghĩa, bài hát không chỉ làm tốt chức năng giải trí mà còn truyền tải giá trị về văn hóa, con người Việt Nam đi lên từ một nền văn minh lúa nước lâu đời, đậm đà bản sắc.

“Rock hạt gạo” là ca khúc tôn vinh giá trị văn hóa của hạt gạo Việt Nam.

Đặc biệt, bài hát cũng truyền tải thông điệp tự hào với hạt gạo Việt Nam không chỉ nuôi lớn bao nhiêu thế hệ, làm ra những loại bánh, món xôi nổi tiếng và từ hạt gạo, người Việt thêu dệt nên gấm hoa trên trường quốc tế. Phương Mỹ Chi tâm sự, “Rock hạt gạo” được sáng tác lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc và cô muốn lan tỏa âm nhạc, bản sắc dân tộc Việt Nam đến khán giả trong nước cũng như quốc tế.

Tán thưởng giá trị văn hóa của “Rock hạt gạo”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, tác phẩm đã khơi dậy sự tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên và nền văn minh lúa nước của nước ta. “Việc kết hợp thể loại nhạc rock với chất liệu truyền thống Việt Nam là hạt gạo, đã mở ra cho ta một nhận diện tươi trẻ về hình ảnh công dân toàn cầu. Chúng ta hòa nhập toàn cầu, chắt lọc những điều tốt đẹp của thế giới để làm mới giá trị truyền thống và tự tin, tự hào giới thiệu những giá trị truyền thống với thế giới, tạo dựng hình ảnh, định vị thương hiệu Việt Nam” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Không riêng gì cây lúa, hạt gạo, với đặc thù là đất nước đi lên từ nông nghiệp, thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên bản sắc văn hóa, lấy nông nghiệp làm nền tảng đã được phát triển, có sức hút với du khách quốc tế.

Mới đây, làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) công nhận là "Làng du lịch tốt nhất" năm 2024. Giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, nghề thủ công truyền thống, nếp sống, nếp sinh hoạt lâu đời cũng như sự sáng tạo, phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ mang tính cộng đồng bền vững.

Được biết, hiện nay, làng Trà Quế có 202 hộ dân tham gia hoạt động trồng rau với 326 lao động trực tiếp trên diện tích 18ha đất canh tác mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại làng Trà Quế, các di tích mang tính lịch sử như: giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, mộ ông Nguyễn Văn Điển hay Lễ cúng Cầu Bông cùng các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực đang được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Trước đó, tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế đã được Bộ VHTT&DL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” là cơ hội để Trà Quế vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Năm 2023 làng rau Trà Quế đón hơn 25.000 lượt khách và năm 2024, con số này đạt hơn 30.000 lượt, với giá vé tham quan là 35.000 đồng/lượt. Khách du lịch nước ngoài đến đây đặc biệt thích thú với các hoạt động trải nghiệm làm nông dân với các công việc đồng áng, trồng rau, tưới rau và tự tay chế biến món ăn từ những nông sản thu hoạch được trên cánh đồng…

Đến nay, UN Tourism đã trao giải thưởng cho 130 làng trên toàn thế giới, trong đó có 3 làng của Việt Nam được công nhận lần lượt vào các năm 2022, 2023, 2024, gồm có: làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng Tân Hóa (Quảng Bình) và làng rau Trà Quế (Quảng Nam). Theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, việc bình chọn danh hiệu “làng du lịch tốt nhất thế giới” của UN Tourism rất khắt khe. Do vậy, được công nhận là làng du lịch tốt nhất sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tốt cho các điểm đến này.

Khai thác lợi thế cạnh tranh

Nông thôn Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt con người giản dị, chân chất, làng quê yên bình và. Giá trị tài nguyên ở những làng quê Việt Nam vô tận để phát triển thành các sản phẩm du lịch, công nghiệp văn hóa. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định du lịch văn hóa là một trong 12 lĩnh vực chủ đạo.

Du khách quốc tế trải nghiệm làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quang Hà

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, nền văn minh lúa nước Việt Nam đã để lại nhiều di sản, với những lễ hội độc đáo, những sản phẩm đặc sắc như lụa Hà Đông, cà phê Tây Nguyên, vựa trái cây, lễ hội bánh chưng, bánh dày, các làng nghề… Thời gian qua, chính quyền các địa phương cùng người nông dân đã khai thác được yếu tố ẩm thực phong phú để phát triển du lịch. Các lễ hội đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ là ngày hội mà là sự thụ hưởng, sinh hoạt về văn hóa.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, muốn phát triển du lịch nông nghiệp thì sản phẩm phải đặc sắc, dịch vụ phải chuyên nghiệp, giá cả phải cạnh tranh, môi trường phải sanh, xạch, đẹp, điểm đến phải thân thiện. Đặc biệt mỗi người nông dân phải là đại sứ du lịch.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng lịch sử, tri thức bản địa và văn hóa sáng tạo. Nếu kết hợp được những yếu tố trên, cộng với huy động được sức sáng tạo của người dân, đặc biệt là sức trẻ, các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn mới, mang tính đặc sắc. “Chúng ta cần chắt lọc những giá trị riêng biệt, nâng niu những điều bình dị, gần gũi, bén rẽ muôn đời làm nền tảng phát triển” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Tại hội nghị đối thoại với nông dân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. "Vẫn là bài hát “Trống cơm”, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí" - Thủ tướng nói.

Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://kinhtedothi.vn/phat-huy-the-manh-van-hoa-nong-nghiep-nong-thon.html