Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

17/08/2018 11:07

Kinhte&Xahoi Sáng 16/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới; đánh giá kết quả công tác 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương nêu rõ: Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. 

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm. 

Ban Chỉ đạo đã tổ chức 40 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc đã kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế và hải quan; rà soát hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại nhà nước; chỉ đạo rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán. 

Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400.000 tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý). 

Những kết quả trên khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và thu được nhiều kết quả cụ thể, nhờ đó công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn 2 năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội. 

Sáu nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá 7 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 12 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng; Quốc hội ban hành 7 Luật, 8 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 102 nghị định, 30 quyết định về quản lý kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng; nhất là Quy định số 01-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng chống tham nhũng; Luật Tố cáo (sửa đổi). Xây dựng, hoàn thành các Đề án quan trọng theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 1 tổ chức Đảng và 14 đảng viên diện Trung ương quản lý; khẩn trương kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm đối với 5 dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/76 bị cáo. 

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời 5 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao.... 

Những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, nhất là sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân; ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Giám định tư pháp để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo; hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. 

Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số cấp ủy cấp huyện và cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng ở cơ sở. Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm 8 vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo...; triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2018; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng. 

Phòng chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả hơn 

Nhất trí với đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để đạt được kết quả đó. 

Tổng Bí thư nêu rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, chủ yếu là tổ chức triển khai thực hiện. Với quyết tâm cao, đồng thuận lớn, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nền nếp, có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, theo nguyên tắc làm bước nào chắc bước đó, dễ trước, khó sau, rõ đến đâu xử lý đến đó, kỷ luật Đảng trước, kỷ luật hành chính, hình sự sau. Các bước, các khâu làm chặt chẽ, các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng, theo đúng chức năng nhiệm vụ, đúng vai, thuộc bài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Việc xử lý vừa qua rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý có tình, không đao to búa lớn, nhưng tâm phục khẩu phục, làm quyết liệt nhưng giữ được ổn định, kết hợp xây và chống, chống và xây, ngăn chặn phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sửa chữa, tiến bộ, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị kinh tế xã hội, được dư luận đồng tình ủng hộ cao. Kinh tế xã hội tốt lên, xã hội ổn định hơn, hoạt động của các cơ quan giờ tốt lên, rất đều trong hệ thống chính trị, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các đoàn thể cùng vào cuộc, thành phong trào, thành xu thế. 

Ban Chỉ đạo đã xây dựng và thực hiện cách thức lề lối làm việc khoa học, chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, đi liền với kiểm tra, đôn đốc; đến nay đã tổ chức 14 phiên họp của Ban Chỉ đạo, 6 phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, sau mỗi cuộc họp, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mới, giải quyết công việc nhanh hơn, trôi chảy hơn. 

Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, địa phương; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng để chỉ đạo tháo gỡ, lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Cụ thể là chỉ đạo khắc phục cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, đến nay số án treo đa giảm đi rất nhiều (2013: 31,2%; 2014:21,3%; 2015:18,5%; 2016:12%; 2017:15,7%); chỉ đạo khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản chỉ đạt 10%, nay bình quân khoảng 30%; có vụ án thu hồi 60,70% hoặc 100% (AVG)...

Công tác thông tin ngày càng công khai minh bạch, kịp thời, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, tạo thành phong trào, xu thế trong xã hội. 

Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc trách nhiệm, nền nếp, đúng vai thuộc bài, không can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng. Ban Nội chính ngày càng làm tốt hơn vai trò của Thường trực Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng. Đó là sự phối hợp kịp thời, đồng bộ, nhịp nhàng trong các khâu điều tra, xét xử, xem xét kỷ luật, bảo đảm nguyên tắc không có vùng cấm, không loại trừ ai, cả cán bộ đương chức cũng như đã về hưu. 

Tổng Bí thư phân tích những khâu khó, điểm yếu hiện nay, đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, quy định, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng có những khâu, những việc còn chậm. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" có chuyển biến nhưng chưa đạt như mong muốn, cần có giải pháp tích cực, chuyển biến mạnh hơn nữa. Một số trường hợp, một số khâu, công tác phối hợp chưa thật nhuần nhuyễn. Đây là vấn đề khó, cần có cách nhìn biện chứng, hai mặt của vấn đề, phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tính chính trị, ý nghĩa xã hội của vấn đề. 

Tổng Bí thư chia sẻ tâm trạng xã hội đang lo lắng, mong muốn làm sao phải duy trì và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, đây là cuộc chiến đấu gian khổ lâu dài, đòi hỏi phải làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt” còn nhiều, trước mắt cần thực hiện tốt chương trình công tác 2018, chuẩn bị chương trình 2019, với tinh thần làm liên tục, lâu dài, nhưng phải biết mình đang làm gì, cái gì làm trước, các gì làm sau, bài bản, nghiêm túc. 

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về một số vụ, việc tập trung chỉ đạo xử lý giải quyết từ nay đến cuối năm.

Theo TTXVN/hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng: Không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương giải ngân vốn đầu tư công

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ sáng 16/8, trong phần thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo với tinh thần “không để một việc mà phải báo cáo cả 2 bộ hoặc nhiều bộ”.