Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng: Chủ động kiểm soát dịch bệnh, phát huy vai trò ý thức tự quản trong Nhân dân

03/10/2021 08:06

Kinhte&Xahoi UBND các quận, huyện, thị xã, Sở, ngành TP tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn một cách chủ động, không lơ là, đặc biệt phát huy vai trò người đứng đầu, vai trò tự quản, ý thức của người dân, doanh nghiệp và sự tham gia của các tổ Covid-19 cộng đồng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm; Chủ động phương án 4 tại chỗ để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Chiều 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện, thị xã.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo

Không để sót trường hợp liên quan điểm dịch Bệnh viện Việt Đức

 Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống dịch, đồng chí Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ 18h ngày 1/10 đến trưa hôm nay (2/10), trên địa bàn thành phố có 19 ca mắc liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Như vậy, liên quan đến bệnh viện này, tính đến nay đã có 28 ca mắc. Trong đó, 22 ca mắc tại Hà Nội và 6 ca mắc tại các tỉnh thành khác.

Cũng từ ngày 1/10 đến nay, TP đã lấy được 7.260 mẫu liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong đó, 4.384 mẫu là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc; 1.385 mẫu tại khu dân cư xung quanh bệnh viện; 1.491 mẫu là những người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện còn 200 mẫu đang chờ kết quả CDC.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố đã ghi nhận 4.261 ca, trong đó 1.317 ca tại cộng đồng, 1.890 ca trong khu cách ly tập trung và 789 ca tại khu vực phong tỏa. Trên địa bàn thành phố hiện có 1 chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện TP còn 18/663 điểm phong tỏa, điểm phong tỏa lớn nhất hiện nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Liên quan đến điểm dịch phát sinh mới tại Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết: Trong 28 ca mắc Covid-19 tại đây có 22 trường hợp ghi nhận tại Hà Nội, 6 trường hợp là ở các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Hải Dương là người nhà và bệnh nhân đã ra viện.

Tại Bệnh viện Việt Đức, các ca bệnh tập trung ở khu vực tầng 7, tầng 8 của bệnh viện. Ngoài ra, có 1 trường hợp là nhân viên nhà ăn bệnh viện; 1 trường hợp là hộ lý và nhân viên vệ sinh; 1 trường hợp là người ở hàng cơm đối diện bệnh viện.

CDC Hà Nội đã lấy 4.384 mẫu xét nghiệm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, từ đó xác định 22 trường hợp dương tính; 1.385 mẫu là khu dân cư xung quanh viện, phát hiện 2 trường hợp dương tính (địa chỉ 73,75,77 phố Phủ Doãn); 1.491 người về từ bệnh viện Việt Đức, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.

“Việt Đức là bệnh viện lớn, thu dung nhiều bệnh nhân đến từ nhiều nơi khác nhau cho nên đây là điểm dịch khá phức tạp”, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhận định và cho biết đã phối hợp với bệnh viện thành lập tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch tại bệnh viện; Thực hiện cách ly tất cả F1.

Ngày mai, Bệnh viện Việt Đức sẽ xét nghiệm sàng lọc thêm 4.000 người. Đồng thời, thành lập khu vực riêng để chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, chạy thận nhân tạo…

Đại diện Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp

Nhiều doanh nghiệp khôi phục từ 80-100% năng lực sản xuất

 Về công tác phục hồi kinh tế, đại diện Sở Công thương cho biết, sau khi thành phố ban hành Chỉ thị 22, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình chống dịch hiện nay. Đồng thời, Sở cũng đã văn bản gửi các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, cũng như kiến nghị của các doanh nghiệp cho cuộc gặp mặt sắp tới của UBND thành phố.

Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khôi phục từ 80-100% năng lực sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa giữa doanh nghiệp tại Hà Nội với các tỉnh.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở phối hợp với Công an thành phố bảo đảm an toàn giao thông tại 22 chốt và đến nay công tác bảo đảm giao thông tại đây ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Theo Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang bố trí người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50; Học sinh, sinh viên vẫn đang học trực tuyến... nên nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa cao. Vì thế, Sở đề nghị với UBND thành phố chưa cho hoạt động vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại.

Sở sẽ bám sát diễn biến, kết quả phòng, chống dịch để tham mưu thành phố từng bước mở lại dịch vụ vận tải hành khách công cộng, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.

Triển khai ngay phần mềm xét nghiệm mới

 Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nêu rõ, thành phố vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn bởi 5 nguyên nhân: Vẫn còn mầm bệnh ngoài cộng đồng; Nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài khi các tỉnh phía Nam kết thúc giãn cách, mở cửa giao thông; Tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân và cả các cơ quan quản lý cũng có dấu hiệu lơ là; Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển; Biến chủng delta có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ ngắn.

 Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu công tác phòng chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vị phạm.

Các Sở ngành, quận huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP với những đầu việc đã được nêu rất cụ thể như: Duy trì quản lý 55 chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố; Các chốt tự quản ở khu dân cư, giám sát chặt di biến động, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; Tăng cường ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K; Thực hiện nghiêm phương châm: “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”…

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện 6 nhóm vấn đề trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo ngay các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn. Hệ thống này khi có kết quả sẽ trả ngay về các app cài đặt trên smartphone của người dân.

“Đây là những tính năng hữu hiệu, giảm thời gian việc lấy mẫu, tiện lợi cho người dân, không phải ghi chép bằng giấy rồi mới nhập vào hệ thống, rất dễ nhầm lẫn sai sót. Sở Y tế trong chiều nay có ngay văn bản chỉ đạo rõ việc này”, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở Y tế hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; Đảm bảo thuốc, vật tư y tế; Tin học hóa, từng bước số hóa các hoạt động của trạm y tế. UBND các quận, huyện, thị xã, Sở, ngành TP tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn mình phụ trách một cách chủ động, không lơ là, đặc biệt là vai trò người đứng đầu, vai trò tự quản, ý thức của người dân, doanh nghiệp và sự tham gia của các tổ Covid-19 cộng đồng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm; Chủ động phương án 4 tại chỗ để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực guy hiểm có nguy cơ cao trên địa bàn. Đặc biệt các địa bàn có bệnh viện của Bộ, ngành Trung ương phải thực hiện tầm soát cho cán bộ Y tế của bệnh viện.

“Các địa phương phải giám sát nội dung này, yêu cầu các bệnh viện gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo của địa phương mình. Cần làm tốt công tác này để tránh nguy cơ trong các bệnh viện”, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm cho người có triệu chứng ho, sốt; Triển khai tiêm mũi 2 một cách khoa học, minh bạch, không để xảy ra tình huống xấu do chủ quan; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở kinh doanh trong khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công nhân, xây dựng phương án Trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục triển khai công tác an sinh xã hội, rà soát, hoàn thành các công việc của Nghị quyết 68, quyết định 23 của CP, Nghị quyết 15 của HĐND TP; Đặc biệt không để người dân phàn nàn, thắc mắc, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

“Phải khẩn trương triển khai một cách thực chất nhất để kiểm soát dịch, phục hồi bền vững, đảm bảo đời sống người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-dong-kiem-soat-dich-benh-phat-huy-vai-tro-y-thuc-tu-quan-trong-nhan-dan-179244.html