Việt Nam quyết tâm không để làn sóng thứ 2 về Covid-19 quay lại.
Đúng là khôi phục lại thị trường hàng hóa, phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19 đặt ra rất quan trọng. Có nhiều điều đáng mừng. Ví dụ, theo kịch bản sau dịch Covid-19, phải cuối năm 2021 hàng không nội địa mới phục hồi, nhưng chỉ 2 tháng sau cách ly toàn xã hội, sản lượng bay tăng đột biến, thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn.
Nhưng “bóng ma” Covid-19 còn đó, nguyên đó. Do đó, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lúc này phải giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà cả nước phấn đấu được trong thời gian qua.
“Không có câu chuyện mở cửa ào ạt. Trong chỉ đạo, phải nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải sai lầm trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở, đó cũng là yêu cầu.
Lúc này đây, có thể nảy sinh tâm lý chủ quan. Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc cũng đã có ý kiến “mở cửa” bầu trời với các nền kinh tế lớn. Không thể nôn nóng, từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế là cẩn trọng cần thiết.
Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức, có tác dụng thức tỉnh. Ngay trong chiến lược, quy hoạch; quản trị quốc gia, ngành, lãnh thổ. Covid-19 cho thấy tổ chức và kích cầu nội địa là yêu cầu bảo đảm sự ổn định lâu dài. Có thể nói thị trường nội địa luôn là mối quan tâm của các chủ thể khác nhau, bao gồm từ các phía: Cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, bà con nông dân và địa phương… Sau Covid-19, càng cho thấy không thể quên “sân nhà”. Chắc chắn, không riêng ngành Nông nghiệp phải lo thị trường nội địa đâu.
Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới. Cách đây vài hôm, quả vải Bắc Giang đã báo niềm vui mới: Số vải thiều từ Việt Nam đưa sang đã được tiêu thụ hết chỉ sau vài giờ tại các hệ thống siêu thị ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka.
Thế giới đã khâm phục về thành công kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam. Việc Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế, xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 chắc chắn càng làm thế giới kinh ngạc. Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 đã nói ở trên, Thủ tướng chốt lại tinh thần: “Chính phủ tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về Covid-19 quay lại Việt Nam. Đây là tinh thần chỉ đạo bao trùm nhất để bảo vệ kết quả thực hiện mục tiêu kép”.
Bình tĩnh và bản lĩnh giúp Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép”!
Ngô Đức Hành